|
Ứng dụng, đổi mới công nghệ đang là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp phát triển |
Báo cáo tình hình việc đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN và thương mại hoá kết quả nghiên cứu để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đã chủ động đầu tư công nghệ tiên tiến, tự động hóa các khâu sản xuất, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, nghề truyền thống lại đang có công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, ô nhiễm môi trường lớn. Điều này làm cho sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của tỉnh trên thị trường chưa cao, sản suất thủ công, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, khó khăn về tài chính, nhân lực...
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng chia sẻ một số vấn đề về nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã có những đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành để thích ứng với môi trường mới thông qua việc đổi mới công nghệ, tự động hóa hoàn toàn với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất. Điển hình có: Nhà máy xi măng Đồng Lâm, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty Scavi Huế, Nhà máy Bia Huế, Kim Long Motor...
Một điểm sáng tại Thừa Thiên Huế là Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh xếp thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và xếp thứ 14 trong toàn quốc. Đây là kết quả đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, kết quả đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo số liệu khảo sát gần đây, chỉ có gần 23% số các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.
|
Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế là một trong những doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến |
Ông Hồ Thắng đề xuất Bộ KH&CN cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, tham gia Chương trình KHCN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050 (Chương trình Net Zero). Phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức Techconect để thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ, kết nối các nguồn lực, các đối tác quốc tế trong hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam gắn với xúc tiến, kêu gọi đầu tư...
Về phía chính quyền địa phương cần kiến tạo môi trường, hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Định hướng doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị, gắn với phát huy giá trị tài sản trí tuệ và thúc đẩy thị trường KH&CN. Ưu tiên với mức hỗ trợ định mức cao hơn, đối với các dự án hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, dự án KHCN trên một số lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên của địa phương. Tăng cường đầu tư phát triển các thiết chế KHCN cũng như triển khai các dự án ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng phát huy các sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Về phía doanh nghiệp cần chủ động trong đổi mới, cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Liên tục nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng phần mềm công nghệ trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Hội thảo còn được nghe các đại biểu, chuyên gia đầu ngành báo cáo các chuyên đề về: Tăng cường hoạt động đổi mới và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp Việt Nam; Định hướng khai thác các công nghệ thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam (Chương trình Net Zero); Tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn chất lượng sản phẩm gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất xe thương mại, du lịch, nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...