Để phủ xanh các khu vực nghĩa trang, nghĩa địa đóng cửa và xây dựng diện tích rú cây bản địa đặc trưng cho các xã vùng cát ven biển và nội đồng, huyện Phong Điền xây dựng kế hoạch chọn 2 xã thí điểm trồng khoảng 4ha cây bản địa; trong số 12 xã được khảo sát hiện trạng, tổng hợp diện tích đất trống.
Cán bộ kiểm lâm tiến hành điều tra, khảo sát rừng cây bản địa rú cát xã Điền Môn
Kế hoạch khôi phục và trồng mới diện tích cây bản địa sẽ tạo thành các quần thể cây bản địa có giá trị sinh thái cao, thực hiện chức năng phòng hộ, chống gió, cát bay, cát nhảy ở những vùng cát nội đồng, nghĩa trang nghĩa địa đóng cửa.
Qua rà soát diện tích đất cát có thể trồng rừng và khảo sát các loài cây bản địa, Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền dự kiến lựa chọn các loài đưa vào trồng thử nghiệm như dẻ, săn mã, tràm gió, chó đẻ, mật nhân, bời lời...
Những loài này hiện đang tồn tại và phát triển tốt tại rú cát của địa phương. Giống của chúng có khả năng gieo bằng hạt hoặc bứng cây con gieo vào bầu.
Ngoài chức năng chính giúp bảo vệ môi trường, chống xói mòn, cát bay cát nhảy, giữ nước, việc khôi phục, mở rộng diện tích trồng một số giống cây bản địa như tràm gió, mật nhân, chó đẻ, bội... còn phục vụ nguồn nguyên liệu để làm hương liệu, dược liệu chữa bệnh... cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất tinh dầu Hoa Nén cho biết, doanh nghiệp hiện đang rất cần và có nguyện vọng khôi phục, mở rộng diện tích trồng cây tràm gió ở một số xã như Phong Hiền, Phong An để chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho cơ sở chế biến tinh dầu tràm của doanh nghiệp đóng tại huyện Phong Điền. Vì trong những năm gần đây, do việc khai thác bừa bãi và nhiều nhà máy công nghiệp hình thành nên diện tích tràm gió bị thu hẹp, gây nguy cơ khan hụt nguồn nguyên liệu trong nay mai. Nhận thấy nếu chỉ tập trung khai thác mà không chú trọng tái tạo, mở rộng diện tích vùng cây nguyên liệu thì việc mở rộng hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường sẽ rất khó khăn.
Trước nhu cầu thực tế của những cơ sở sản xuất tinh dầu trên địa bàn, nếu có sự kết nối với dự án quy hoạch trồng, khôi phục vùng cây bản địa ở các xã vùng cát nội đồng, ven biển, thì đây sẽ là cơ hội để chính quyền, cơ quan quản lý có thêm nguồn lực đầu tư thực hiện và người dân chuyên nghề khai thác, doanh nghiệp sản xuất hưởng lợi thông qua liên kết trồng, chăm sóc, khai thác hợp lý.
Theo đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền, sẽ không có "giới hạn" nếu tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân có nguyện vọng, nhu cầu tham gia khôi phục, tái tạo và mở rộng rừng cây bản địa ở những vùng rú cát nội đồng, ven biển, nhất là khi nhiều nơi có nguy cơ bị hoang mạc hóa nhưng chưa có kinh phí để phục hồi. Việc làm này vừa sớm khôi phục, cải tạo được nhiều diện tích rú cây bản địa, vừa đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi có thể chủ động khai thác hợp lý nguồn nguyên liệu để phục vụ chế biến hương liệu, dược liệu...
Để trồng thử nghiệm tại 2 xã (dự kiến xã Phong Hiền và Phong Bình) với quy mô 2 ha/xã, đơn vị lựa chọn một cơ sở nhân giống và tổ chức thực hiện ươm cây giống từ 17.600 cây giống (gồm 16.000 cây giống trồng và 1.600 cây trồng dặm), đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng và bàn giao cho UBND các xã và các thôn trực tiếp chăm sóc, bảo vệ sau khi nghiệm thu.
Sau khi thực nghiệm thành công, đơn vị sẽ phối hợp cùng các dự án có chung mục tiêu phủ xanh đất cát bằng cây bản địa và chính quyền địa phương để nhân rộng trồng những diện tích còn lại.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên