Trồng cây xanh trở thành truyền thống tốt đẹp trong dịp đầu xuân
Tết trồng cây lại đến, một mùa trồng rừng mới lại bắt đầu, những mầm xanh của sự sống bắt đầu hồi sinh và phát triển. Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, các công trình dân sinh…, trồng cây xanh cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo môi trường thân thiện, điểm nhấn đặc trưng cho bộ mặt các khu đô thị mới, tuyến đường mới và môi trường sống ở các khu dân cư.
So với những tỉnh, thành khác, độ che phủ rừng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc vào tốp cao, đạt 57% diện tích đất tự nhiên. Những năm gần đây, ngoài chú trọng tăng diện tích, tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (Forest Stewardship Council -Hội đồng quản trị rừng).
Đến nay, có hơn 5.971 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Trong đó, hơn 2.875 ha được cấp chứng chỉ FSC cho 609 hộ gia đình và 3.096 ha được cấp chứng chỉ FSC đối với Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong. Có khoảng 6.000 ha mây do Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông trồng đang được chuẩn bị hồ sơ đáng giá cấp chứng chỉ.
Những ngày đầu xuân mới, nhiều địa phương, đơn vị, trường học... ra quân thực hiện lễ Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trở thành phong tục tốt đẹp của Nhân dân ta, với ý nghĩa trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động bảo vệ môi trường. Riêng lễ Tết trồng cây do tỉnh phát động trồng trong dịp đầu xuân mới này, hơn 5.200 cây sao đen, lim xanh tạo bóng mát. Các địa phương, đơn vị ra quân trồng hàng chục nghìn cây xanh tạo bóng mát, cây ăn trái, cây lấy gỗ ở các điểm di tích lịch sử, đền liệt sĩ, các khu công nghiệp, khu đô thị mới...
Ngoài phát động trồng cây phân tán, năm nay, tỉnh đặt ra kế hoạch trồng 7.000 ha rừng tập trung, khoán quản lý bảo vệ rừng 30.000 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 1.000 ha; tiếp tục chăm sóc rừng trồng thuộc dự án “Đầu tư phát triển rừng giai đoạn 2015-2020” với diện tích hơn 1.117ha và 317,15 ha rừng thuộc dự án “Đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh”.
Mục tiêu đặt ra của ngành lâm nghiệp là tiếp tục ổn định và cải thiện chất lượng rừng tự nhiên, tăng đều diện tích rừng trồng qua các năm để phấn đấu đạt và duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh 57,2% trong năm 2018. Tập trung ưu tiên để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất, tăng nhanh diện tích rừng trồng gỗ lớn tham gia FSC. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng 13.000 ha rừng trồng gỗ lớn, trong đó tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC là 40% so với diện tích rừng gỗ lớn (tương đương 5.200 ha rừng trồng sản xuất).
Năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu phải xây dựng và tổ chức thực hiện đề án giống cây lâm nghiệp, trong đó chú trọng phát triển mở rộng ươm giống cây con theo hướng thân thiện môi trường; đề án phát triển kinh tế dưới tán rừng, chủ yếu phát triển cây dược liệu, trồng cây lâm sản ngoài gỗ khác…
Bài, ảnh: Hoài Nguyên