Ngày hội "Đổi rác lấy quà tặng" được Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên TP. Huế tổ chức với sự tham gia hưởng ứng của nhiều đoàn viên thanh niên và huynh trưởng, đoàn sinh gia đình phật tử TP. Huế không chỉ dừng lại ở việc đổi rác lấy quà mà qua đó còn gửi đến thông điệp kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, biết cách phân loại rác và xây dựng Thừa Thiên Huế "sáng- xanh- sạch, không rác thải".
Thể hiện thái độ tích cực bảo vệ môi trường của mình, trong ngày hội, nhiều thanh thiếu niên đã mang đến hàng trăm kg giấy vụn, giấy báo cũ và rất nhiều chai nhựa, túi nilon. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, nhận được chiếc mũ, túi giấy in dòng chữ bảo vệ môi trường qua việc đổi giấy loại, vỏ chai nhựa chưa phải là mục đích chính, mà điều quan trọng tham gia ngày hội này là vì các bạn muốn chuyển tải thông điệp hãy cùng phân loại rác, hạn chế chất thải nhựa và nilon ra môi trường vì một hành tinh xanh.
Số tiền từ việc bán các đồ dùng tái chế như bình cắm hoa, giỏ xách, hộp bút, đồ chơi... và các nguyên vật liệu phế phẩm từ giấy và chai nhựa được ban tổ chức trao thưởng, tặng quà cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Thông điệp bảo vệ môi trường được các bạn trẻ đưa ra theo phương châm 4T trong đời sống: Tiết giảm, Tái chế, Tái sử dụng và Thể hiện lòng nhân ái. Đây là ý tưởng và cũng là mục tiêu hành động trong Tháng Hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" của Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng Hải Đức- nơi quy tụ nhiều thanh thiếu niên Phật tử có chung tâm nguyện hành động vì lợi ích của cộng đồng, vì một môi trường trong lành.
Hoạt động đổi rác lấy quà tặng đã được nhiều nơi phát động từ mấy năm nay và thu hút sự quan tâm tham gia hưởng ứng của cộng đồng. Nhiều đồ phế thải được tái chế và trở thành những món đồ chơi sinh động, đẹp mắt ở các trường mầm non. Những đồ dùng trang trí... được tận dụng từ vỏ lon, chất nhựa, nilon được các cơ sở hỗ trợ đào tạo người khuyết tật làm bán, vừa đem lại nguồn thu và giải quyết được sự lãng phí khi thải ra môi trường. Không chỉ rác thông thường có thể tái chế trở thành vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống, nhiều người mong muốn nên có nhiều hoạt động thiện nguyện và tổ chức định kỳ ngày hội "đổi rác lấy quà tặng", "rác đổi rác" hoặc chỉ tiếp nhận "một chiều" những loại rác gia dụng "cồng kềnh" như: nệm, giường, tủ, ghế... hay những loại rác nguy hại như bóng đèn, pin, đồ điện tử hỏng... Đây cũng là hình thức giúp nhiều gia đình gom rác, vệ sinh nhà cửa và giúp giảm gánh nặng cho đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường.
Từ nguồn rác thu được này, đơn vị tổ chức có thể chủ động bán phế liệu gây quỹ hoặc liên kết với cơ sở làm đồ handmade, đồ tái chế để làm ra những vật dụng phục vụ cuộc sống thay vì xả lộ thiên hoặc đem chôn lấp.
Bài, ảnh: Minh Liên