Thầy Nguyễn Trung Đông, phụ trách thực hiện dự án "Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) triển khai tại Trường THCS Hoàng Kim Hoán (xã Hải Dương, TX. Hương Trà) chia sẻ: Trước đây, mặc dù nhà trường đã phát động nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường, song chỉ mang tính bề nổi, không được duy trì lâu dài. Từ khi triển khai dự án vào trường học, ý thức BVMT của các em học sinh và giáo viên cải thiện rõ rệt. Sau khi dự án hỗ trợ một số thùng rác phục vụ thu gom, phân loại rác, không còn tình trạng rác nằm ở sân trường, các em đã hình thành được thói quen để rác vào thùng, phân loại rác và giữ gìn vệ sinh, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, thoáng đẹp.
Thầy Nguyễn Trung Đông cho biết, nhà trường cùng dự án đã truyền thông cho các em học sinh kỹ năng phân loại rác, xử lý, sử dụng vật liệu tái chế... Đối với rác thu gom được, các em được hướng dẫn xử lý theo 2 cách. Rác hữu cơ được xử lý bằng chôn lấp, lá cây đem đốt. Rác giấy, nhựa, kim loại được thu gom vào mỗi thứ 6 hàng tuần và cứ 2 tuần được gom bán cho người thu mua phế liệu. Số tiền này phục vụ duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Môi trường xanh" (CLB) gồm 32 thành viên của 8 lớp học tham gia và dùng để mua găng tay, khẩu trang, dụng cụ dọn vệ sinh...
Chị Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) thông tin, dự án "Chương trình tái chế rác thải đô thị nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm chất thải nhựa trong thành phố, trên sông và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế" do Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang triển khai tại 6 trường học, gồm: THPT chuyên Quốc Học Huế, THPT Bùi Thị Xuân, THCS Trần Cao Vân, THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Phan Sào Nam (TP. Huế) và THCS Hoàng Kim Hoán (xã Hải Dương, TX. Hương Trà).
Mục tiêu của dự án khi chọn các trường học để thực hiện là nhằm thông qua các em học sinh để kêu gọi sự tham gia, thay đổi nhận thức của cộng đồng người dân trong việc tái chế và giảm thiểu rác thải, nhất là rác thải nhựa ở các trường học, trên sông và ven biển. Dự án đã hỗ trợ trang cấp cho các trường 3 loại thùng dùng để thu gom 3 loại rác: giấy loại; kim loại, nhựa; rác hỗn hợp.
Sau hơn 6 tháng triển khai, các trường thực hiện rất tích cực. Số lượng rác thải nhựa các trường thu gom được hơn 1.600kg, số tiền bán phế liệu tái chế được khoảng 3,5 triệu đồng.
Các trường tham gia đã lồng ghép các hoạt động bổ trợ như tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo “Trò chơi đố vui để học”, thiết kế thùng rác, hình thành fanpage trên facebook và thực hiện các video, sổ tay/cẩm nang và tổ chức trao giải thưởng, nhằm nâng cao nhận thức về các ảnh hưởng tiêu cực của chất thải nhựa đến môi trường, thay đổi hành vi và hành động để BVMT, giảm thiểu chất thải nhựa ở các trường học, trên sông Hương và ven biển cho học sinh và cộng đồng.
Về lâu dài, những hoạt động tại trường học sẽ lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng người dân. Vì theo khảo sát của dự án, có khoảng 4.000 học sinh ở các trường và những học sinh đó sẽ lần lượt kết nối trực tiếp ít nhất với hơn 20.000 -25.000 người dân địa phương thông qua gia đình, giáo viên và bạn bè của họ.
Đối với địa bàn xã Hải Dương, việc huy động các em học sinh, giáo viên, cán bộ, Nhân dân tham gia dọn dẹp bờ biển sẽ làm đẹp hơn bãi biển dài 800m tại thôn Thái Dương Thượng, tạo môi trường sống trong lành, góp phần hút khách du lịch.
Hoài Nguyên