Ngoài quy hoạch vùng phát triển điện năng lượng mặt trời tập trung, điện mặt trời trên mái nhà được ưu tiên, song phải đảm bảo kiến trúc cảnh quan
Hiện nay, nguồn điện quốc gia gồm từ thủy điện, điện hạt nhân, nhiệt điện, điện mặt trời và gió; trong đó chiếm tỷ trọng điện năng lớn nhất vẫn là nhiệt điện và thủy điện.
Luôn tồn tại tính hai mặt, nên ngoài cung cấp nguồn điện ổn định phát triển sản xuất, sinh hoạt, ngành công nghiệp nhiệt điện, thủy điện đã có những tác động tiêu cực đến môi trường. Riêng ngành công nghiệp nhiệt điện than, cả nước hiện có 21 nhà máy đang hoạt động với tỷ trọng điện năng chiếm gần 40% trong cơ cấu ngành sản xuất điện cả nước, gấp 1,5 lần thủy điện. Lượng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy này rất lớn, trong đó 70-80% tro bay và 20-30% xỉ đáy lò, sử dụng tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700ha.
Theo tính toán của Bộ Công thương, chỉ riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện năm 2018 là 61 triệu tấn, dự kiến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn.
Hiện cả nước đang tồn khoảng 15 triệu tấn tro xỉ sau quá trình đốt than chưa xử lý. Nên việc tìm quỹ đất để làm bãi chứa hay tìm đầu ra tiêu thụ lượng tro xỉ này cũng là bài toán đặt ra.
Cách đây 15 năm, lãnh đạo tỉnh đã cương quyết từ chối một dự án lớn đề xuất đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Phú Lộc, vùng thuộc Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Dẫn chứng điều này để thấy, không chỉ trước đây mà thời này và sắp tới, sản xuất nhiệt điện than đang có xu hướng bị loại bỏ do ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, chi phí đầu vào nguyên nhiên liệu tăng cao và để tuân thủ thỏa thuận Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cùng tham gia ký kết.
Thay vào đó, một ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đang được khuyến khích đầu tư để sản xuất nguồn điện sạch, bền vững. Song bất cập hiện nay là nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đang sản xuất ra hàng nghìn MW điện tham gia thị trường điện, nhưng do lưới điện truyền tải chưa được đầu tư đồng bộ, theo kịp, nên sản lượng điện năng này chưa thể hòa lưới. Điều này đặt ra, mặc dù điện mặt trời, điện gió được ưu tiên phát triển để dần hạn chế các nguồn điện có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường, sự phát triển bền vững, nhưng cũng cần có quy hoạch phát triển hợp lý và đầu tư hạ tầng truyền tải đồng bộ.
Tiềm năng năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở khu vực Trung bộ, trong đó có Thừa Thiên Huế thuộc vào loại tốt. Số liệu về bức xạ mặt trời tại Việt Nam của Viện Năng lượng và Ngân hàng thế giới, giờ nắng trong năm ở khu vực Bắc Trung bộ từ 1.700-2.000, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,6-5,2kWh/m2/ngày, nên được xếp loại có điều kiện tốt để ứng dụng cho điện mặt trời. Cao nhất là khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ với giờ nắng trong năm từ 2.000-2.600, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,9-5,7kWh/m2/ngày.
Để phù hợp tình hình chung, trong quy hoạch địa điểm phát triển điện năng lượng mặt trời, tỉnh thống nhất chủ trương đến năm 2020, tập trung khoanh vùng phát triển điện mặt trời trên địa bàn huyện Phong Điền, tại các khu vực không có khả năng phát triển các lĩnh vực khác hoặc hiệu quả thấp, đồng thời tránh khu vực đã có rừng trồng, khoanh vùng bảo vệ khoáng sản và định hướng phát triển các ngành nghề khác. Không phát triển các dự án đầu tư điện mặt trời trực tiếp sử dụng đất khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tạm thời, tỉnh cũng chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời trên mặt nước trên địa bàn. Đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà, ủng hộ nghiên cứu phát triển điện mái nhà tại các khu công nghiệp; còn trong khu đô thị cần xem xét kỹ sự phù hợp kiến trúc cảnh quan và các đánh giá tác động môi trường sống của cư dân.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên