ClockThứ Ba, 17/12/2019 07:00

Sáng tạo khoa học gắn với thực tiễn

TTH - Tôn vinh những tấm gương nhà khoa học, đề tài nghiên cứu có giá trị, nhà sáng chế không chuyên đã tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ nhà khoa học, nghiên cứu phát huy tính sáng tạo góp phần tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.

Tôn vinh 16 trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu

Nghiên cứu chế phẩm hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhóm tác giả Trường đại học Nông lâm Huế

Gắn với thực tiễn

Khoa học công nghệ phải bắt nguồn từ thực tiễn và phục vụ đời sống chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong các hoạt động khuyến khích sáng tạo do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức. Không phải ngẫu nhiên, các hội thi sáng tạo kỹ thuật (Hội thi), giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ (Giải thưởng) gần đây, các giải pháp sáng tạo của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia ngày càng nhiều. Có doanh nghiệp, nhiều năm liền đều có đề tài đạt giải cao tại các hội thi, giải thưởng trong tỉnh, như: Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), Công ty CP Dệt may Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, VNPT Thừa Thiên Huế,… Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có nhiều đề tài đạt giải cao và được hội đồng chấm thi toàn quốc đánh giá cao.

Chỉ riêng tại giải thưởng toàn quốc năm 2018, trong số 45 công trình được trao giải, Thừa Thiên Huế góp mặt 10 công trình với 2 giải nhì, 2 giải ba và 6 giải khuyến khích, trong đó, HueWACO giành 2 giải nhì. Trước đó tại Giải thưởng năm 2015, HueWACO cũng được vinh danh giải nhất và giải ba với 2 công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” và “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp đảm bảo an toàn cho con người và môi trường sử dụng clo lỏng trong xử lý nước sạch” và 2 lần ghi dấu ấn vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”.

Trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải tại hội thi năm 2019

Những đề tài trên đã và đang được HueWACO áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn quá trình sản xuất nước sạch. Nhất là trong điều kiện chất lượng nước đầu nguồn ngày càng suy giảm, cộng với việc điều tiết nước xuống vùng hạ du của các hồ đập đầu nguồn. Vì thế, HueWACO đã nghiên cứu sáng kiến công trình bể sinh học loại bỏ các hợp chất ô nhiễm Amonia, Nitrit, COD.

Cùng với than hoạt tính dạng hạt sẽ hấp thụ các loại độc chất có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật, màu mùi của nước. Với giải pháp bể lọc sinh học kết hợp với công nghệ bể lắng lọc thông minh chất lượng cao, thân thiện môi trường, HueWACO nghiên cứu tạo ra giải pháp công nghệ tổng thể trong xử lý nước phù hợp với sự thay đổi về chất lượng nước nguồn. Từ đây, duy trì độ đục sau lọc của các NM đang ở mức 0,02 NTU, thấp hơn 200 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam, giảm lượng chất hữu cơ, sắt, mangan… trong nước, duy trì bền vững cấp nước an toàn và đảm bảo an ninh nước.

Phục vụ đời sống

Không chỉ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất nhiều giải pháp khoa học phục vụ vào sản xuất nhất là nhóm đề tài nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; cơ khí và tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải.

Trong đó, phải đến thành công của công tác phục tráng bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa trước nguy cơ “thất truyền”. Những đề tài này không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa, lịch sử. Ví như nghiên cứu phục tráng giống lúa Ra Dư, A Rí vừa được nhóm tác giả Nguyễn Tiến Long, Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Nghiên cứu này góp phần đánh giá, chọn lọc phục tráng và tư liệu hóa mẫu gen quý hiếm để lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống và mở rộng sản xuất giống lúa thuần chủng.

“Nhóm nghiên cứu đã phục tráng giống lúa Ra Dư, A Ri bằng sự kết hợp giữa 2 phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học. Nhờ áp dụng công nghệ sinh học trong phục tráng giống đã rút ngắn được thời gian, sớm đưa ra nguồn giống siêu nguyên chủng với nhiều đặc tính tốt vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao” TS Nguyễn Tiến Long chia sẻ.

Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu ghép tạng, kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại tràng, kỹ thuật phẫu tích mạc treo trực tràng đường hậu môn trong phẫu thuật nội soi cắt ung thư trực tràng thấp và trung gian… của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai tạo nên tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế.

Lan tỏa

Bằng cách làm sáng tạo trong tổ chức tuyên truyền đến từng cá nhân, đơn vị, Liên hiệp hội đã động viên nhiều nhà khoa học tham gia các cuộc thi. Trong đó, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu quốc tế hay "bàn tay vàng" như GS.TS Bùi Đức Phú với ca mổ tim đầu tiên… cũng được xướng tên trong các đề tài, công trình đạt giải từ trong tỉnh lẫn quốc gia. Thông qua các cuộc thi do Liên hiệp hội tổ chức đã góp phần xây dựng nền tảng để GS.TS. Phạm Như Hiệp và GS.TS. Cao Ngọc Thành nhận danh hiệu Nhân tài đất Việt; Trung tâm Xạ phẫu định vị bằng dao gamma, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế được nhận giải thưởng Cúp vàng Topten thương hiệu Việt Nam 2014. Nhiều nhà nghiên cứu nữ cũng được tôn vinh, như PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân với Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017…

GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp hội chia sẻ: Hội thi, giải thưởng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đội ngũ những người lao động và trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Nhiều đề tài được đầu tư rất công phu, chất lượng có tầm quốc gia, quốc tế và đã được ứng dụng vào thực tiễn. Đối tượng tham gia cũng đa dạng từ người lao động bình thường như: bảo vệ, thợ cơ khí, công nhân viên chức, các doanh nghiệp, đến những giáo sư đầu ngành...

Với những thành tích trong công tác khuyến khích nghiên cứu khoa học, năm 2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế được tặng Cờ thi đua của Ban tổ chức Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Giải thưởng, Hội thi toàn quốc.

Qua 18 lần triển khai tổ chức hội thi, giải thưởng, đã có 487 giải pháp kỹ thuật, 581 công trình đăng ký và trao giải cho 344 giải pháp; 279 công trình, trong đó có nhiều công trình, giải pháp đạt các giải quốc gia.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao
Return to top