Tuổi trẻ và cộng đồng cùng chung sức dọn sạch rác, nhất là rác vô cơ trên đầm phá Tam Giang
Ngoài ô nhiễm nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt…, ô nhiễm chất thải rắn đang là vấn đề đáng báo động. Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện, có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan.
Với lượng rác thải khổng lồ, trong khi công nghệ xử lý chưa đảm bảo đang là bài toán nan giải của nhiều địa phương. Rác thải hữu cơ đã có nhiều biện pháp, giải pháp được triển khai như tái chế làm phân vi sinh và dễ phân hủy trong môi trường, nhưng đáng lo ngại nhất hiện nay là rác thải vô cơ, cụ thể là rác nhựa, nilon và chất thải nguy hại. Năm 1933, nhựa được tạo ra; năm 1965, túi nilon một mảnh ra đời; năm 1979 , túi nilon được sử dụng rộng rãi; năm 2011, thế giới sử dụng 1 triệu túi nilon mỗi phút và đến năm 2018, thế giới sử dụng 10 triệu túi nilon mỗi phút. Lúc trước, đó có thể là sự sáng tạo, sáng chế, nhưng bây giờ là sự ô nhiễm, nguy hiểm.
Để có những hành động thiết thực hạn chế và giải quyết mối bức xúc về môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị mở cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải.
Theo đó, các địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động này trên cơ sở phát huy hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các tổ chức chính trị- xã hội; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý và thực hiện một cách đồng bộ.
Duy trì và mở rộng các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, đẹp phố, cơ quan, công sở; mô hình “không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị... Vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, xả rác bừa bãi, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định; sử dụng các sản phẩm bao, bì thân thiện môi trường để thay thế túi nilon; trồng cây xanh dọc các tuyến đường…
Cùng với tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, chia sẻ và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, lồng ghép các giải pháp công trình, phi công trình để bảo đảm cảnh quan đô thị, nông thôn sáng - xanh - sạch, không rác thải cần được đẩy mạnh, gắn với các chương trình, dự án như xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh. Công tác giám sát thực hiện chỉ thị, kế hoạch và thực thi có hiệu quả các quy định có tính pháp lý cao như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần được chú trọng để cuộc vận động này thực chất đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa và trở thành “quy tắc” trong xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên