Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế
HEPCO là đơn vị dịch vụ công ích được các chính quyền địa phương trong tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, trong đó được UBND TP. Huế giao thực hiện thêm thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt theo Quyết định 94 ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thưa ông, lâu nay, cách tính giá dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn được thực hiện như thế nào?
Lâu nay, cách tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt được xây dựng trên cơ sở: Đối với hộ dân cư, hộ kinh doanh được tính bình quân theo số hộ được hưởng dịch vụ thu gom rác. Trong đó, có phân loại hộ không kinh doanh, hộ kinh doanh theo nhóm (lĩnh vực kinh doanh); đơn vị tính là đồng/hộ/tháng. Đối với cơ quan, tổ chức (khối lượng lớn) được tính theo khối lượng rác xả thải, đơn vị tính là đồng/m3.
Giá dịch vụ (không bao gồm chi phí xử lý rác) phụ thuộc chi phí thu gom và chi phí vận chuyển. Chi phí thu gom phụ thuộc chủ yếu tần suất thu gom rác và loại đô thị; chi phí vận chuyển phụ thuộc lượng rác thu gom được vận chuyển về khu xử lý.
Cách tính này đảm bảo thu đúng, thu đủ hay không và nguồn thu này đảm bảo phục vụ chi trả cho bao nhiêu % trong tổng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải?
Giá dịch vụ được xây dựng trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Vì thế, theo phương án giá được duyệt, giá dịch vụ sẽ đảm bảo bù chi tại mức thu năm cuối của lộ trình tăng giá (với chất lượng công tác vệ sinh tại thời điểm xây dựng giá). Do mức giá (đủ bù chi) cao so với mức thu phí vệ sinh môi trường trước khi chuyển qua giá nên phải xây dựng giá tăng theo lộ trình 5 năm: 2018-2022.
Quy định thu phí rác thải theo Luật BVMT năm 2020, HEPCO “đón đầu” áp dụng phương thức phân loại rác tại nguồn theo lộ trình, kế hoạch
Thực tế với mức thu hiện nay, số tiền thu được chỉ đáp ứng chưa đến 49% chi phí thu gom và vận chuyển. Nguyên nhân là do mức thu hiện đang áp dụng là mức thu của năm 2020 (giữa lộ trình giá) nhằm hỗ trợ một phần cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Hơn nữa, chất lượng công tác thu gom rác trên địa bàn TP. Huế ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, với tần suất thu gom bình quân 1,17 ngày/lần và các địa phương khác tần suất thu gom bình quân cao nhất trên 2,47 ngày/lần.
Có nghĩa cơ chế đang áp dụng vẫn còn tồn tại bất cập, thụ động?
Quyết định 94 và Quyết định 13 ngày 4/3/2021 Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định số 94 của UBND tỉnh bỏ quy định mức thu đối với trường hợp hộ kinh doanh có khối lượng rác từ 0,5m3/tháng trở lên (các quyết định trước đây có quy định mục này), nên nhiều hộ kinh doanh có khối lượng rác thải lớn chỉ nộp với mức hộ kinh doanh cố định, không chịu nộp theo khối lượng rác thải thực tế, gây mất công bằng và làm thất thu.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác còn hạn chế; nhiều hộ dân chưa hiểu, chưa đồng cảm với những khó khăn đối với ngân sách của thành phố, cho rằng tần suất thu gom rác thấp hơn tuyến đường, kiệt khác nên không chịu nộp tiền. Không có chế tài xử lý các trường hợp chây ỳ, không nộp tiền dịch vụ.
Kể từ ngày 1/1/2022, Luật BVMT năm 2020 quy định cách tính mới về thu tiền rác thải sinh hoạt, ông có thể thông tin chi tiết hơn về quy định mới này?
Theo Luật BVMT năm 2020, cách tính trong thu phí xả rác thải được hiểu là tính phí rác thải theo khối lượng (theo kg), xả rác nhiều thì phải đóng tiền nhiều. Việc áp dụng cách tính phí rác thải mới sẽ xóa bỏ cơ chế cào bằng giá, tạo sự công bằng với người xả rác thải. Tuy nhiên, việc triển khai quy định mới này trong thực tế là không dễ. Vì vậy, để triển khai được cần phải có lộ trình thực hiện, trong giai đoạn đầu cần tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Khi thực hiện phải có phương pháp tổ chức, kế hoạch cụ thể, chế tài xử phạt, hệ thống giám sát... để dần dần hình thành thói quen cho người dân.
Theo quy định, mốc thời gian thực hiện giá dịch vụ chậm nhất là ngày 31/12/2024. Để quy định mới này đi vào thực tiễn và thực hiện cần có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của các cấp có thẩm quyền, như Bộ TN&MT, UBND tỉnh. HEPCO, cũng cần có hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương.
Theo ông, việc quy định phân loại và tính giá theo khối lượng sẽ đem lại những lợi ích gì trong công tác quản lý, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường?
Nếu theo Luật BVMT 2020, giá dịch vụ tính theo khối lượng sẽ tăng do phải tính thêm chi phí xử lý rác thải. Đồng thời, giá dịch vụ không tính phần khối lượng rác tái chế được phân loại sẽ khuyến khích công tác phân loại để giảm giá dịch vụ.
Ngoài ra, Luật BVMT 2020 cũng quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, sau khi áp dụng quy định phân loại và ban hành mức thu cụ thể sẽ khuyến khích và có chế tài để thúc đẩy phân loại, giảm lượng rác thải ra môi trường, rác phải xử lý. Điều này cũng đồng nghĩa giảm bớt áp lực chi của ngân sách, giảm chi phí xử lý rác người dân phải nộp và đem lại sự công bằng giữa các hộ dân.
Ông có nhắc đến những lợi ích rất thiết thực của việc phân loại rác, vậy để người dân thực thi nghĩa vụ này, đơn vị đã có những hoạt động và kế hoạch hỗ trợ thực hiện?
Theo Luật BVMT 2020, việc tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn là bắt buộc và thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Thời gian qua, UBND tỉnh đã có Công văn số 4512 về việc hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh và UBND TP. Huế đã ban hành Kế hoạch số 1729 ngày 25/3/2021 về việc tổ chức, triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn. Theo đó, HEPCO đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn; xây dựng mô hình mẫu để tiến đến mở rộng điểm lưu chứa phân loại CTRSH tại nguồn với loại thùng 240 lít được đặt ngoài hiện trường, thùng 120 lít được đặt tại các cơ quan, đơn vị, trụ sở; thùng chứa rác sau phân loại cho xe gom rác đẩy tay thông qua học tập các mô hình trong, ngoài nước và được sự hỗ trợ của WWF tại Việt Nam. HEPCO có kế hoạch tổ chức thu gom riêng, vận chuyển riêng, xử lý riêng tất cả rác phân loại, lập dự toán và báo cáo Phòng TN&MT tổng hợp trình TP. Huế chi phí thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)