Phạm Ngọc Anh Tùng trong một lần trình bày câu chuyện khởi nghiệp của mình ở Malaysia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nền tảng thương mại điện tử FoodMap chuyên về nông sản dù có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng không xa lạ với nhiều người. Nền tảng này đã xây dựng được một thương hiệu mạnh trong cung ứng nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc.
Nâng cao giá trị nông sản Việt
Phạm Ngọc Anh Tùng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học-Huế trước khi là sinh viên lớp kỹ sư tài năng Khoa Điện tử - Tự động, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhưng rồi, Tùng quyết định nghỉ học để rẽ hướng theo đam mê với nông sản. Tùng đã sáng lập ra FoodMap, không lâu sau được vinh danh giải thưởng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh hưởng nhất ở châu Á (Most impactful Innovation) do Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng Gia Anh trao tặng 2019.
Foodmap là nền tảng chuyên kết nối nông dân, nhà sản xuất với người tiêu dùng, được vận hành trên nền tảng hợp tác với nông dân từ khâu đầu tiên, để có được nguồn nông sản thực sự sạch. Sau đó là quảng bá và phân phối để nông dân có đầu ra tốt hơn, giá trị nông sản cao hơn.
“Tôi phải mất hai năm với rất nhiều khó khăn, trăn trở. Tốn kém tài chính và nguồn lực là chuyện tất yếu. Nhưng nếu không có đam mê và tâm huyết thì mọi thứ sẽ không bao giờ thành công. Nói về sàn điện tử là chuyện đã khó nhưng với một sàn chuyên về nông sản, chưa có ai từng làm thì khó khăn gấp nhiều lần. Bởi lẽ, vòng đời của sản phẩm nông sản thường rất ngắn, việc bảo quản và tìm kiếm nguồn cung cũng gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng”, Tùng tâm sự.
Bằng kinh nghiệm của mình trong quá trình vận hành FoodMap, chàng trai trẻ cho rằng, vẫn còn tồn tại những điểm điểm yếu trong ngành nông nghiệp rộng lớn. Cụ thể, nhiều tầng lớp trung gian trong chuỗi giá trị nông sản dẫn đến sản phẩm đến tay người dùng tăng giá gấp 6-7 lần. Thứ hai, hàng hoá ra thị trường thiếu kiểm soát chất lượng dẫn đến giá xuất khẩu thấp và thiếu lòng tin của người tiêu dùng.
Điều mà Tùng và các cộng sự FoodMap hướng đến là giúp người tiêu dùng và phía cung ứng tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam và tăng khả năng tiếp cận trên toàn bộ chuỗi cung ứng để củng cố lòng tin của khách hàng.
Thu hẹp khoảng cách giữa các bên
Sau hơn 3 năm vận hành, FoodMap hiện đang cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên toàn Việt Nam. Dù thời gian có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng FoodMap đã xây dựng được một thương hiệu mạnh trong cung ứng nông sản, thực phẩm sạch, có nguồn gốc. Điều này thể hiện qua sự gắn bó lâu dài với thương hiệu của khách hàng.
Để thúc đẩy sự tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, đầu năm 2022, FoodMap đã huy động được khoản tiền đầu tư giai đoạn Pre - Series A là 2,9 triệu đô la Mỹ. Các nhà đầu tư tham gia dẫn dắt vòng này là Beenext và Vulpes, ngoài ra còn có Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker.
Anh Tùng trong một lần khảo sát nông sản để tìm hướng ra giúp bà con nông dân. Ảnh:Nhân vật cung cấp
Tùng cho biết, với nguồn vốn này, FoodMap tiếp tục theo đuổi mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng và nông dân, nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng nông sản. Cụ thể hóa bằng việc đưa vào vận hành hệ thống quản lý nhà cung cấp, nơi các nhà cung cấp có thể tự giới thiệu sản phẩm và thương hiệu của mình. Qua hệ thống quản lý nhà cung cấp, các biện pháp kiểm soát chất lượng như chứng chỉ, chứng nhận, quy trình sản xuất và các thông tin về sản phẩm cũng được cung cấp đến người tiêu dùng một cách minh bạch, chi tiết.
Về phía người tiêu dùng, tất cả các sản phẩm được kinh doanh trên FoodMap đều có mã QR cho phép khách hàng dễ dàng tìm hiểu thêm thông tin và nguồn gốc xuất xứ… Người mua có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm của FoodMap thông qua trang web hoặc ứng dụng dành cho thiết bị di động. “Phương pháp tiếp cận theo hai hướng cung và cầu này FoodMap sẽ cung cấp các giá trị quan trọng cho các bên liên quan chính trong chuỗi nông sản, thực phẩm: nông dân, nhà sản xuất thực phẩm và khách hàng”, Tùng nói thêm.
Nhờ giảm khâu trung gian và các chi phí không hiệu quả, FoodMap giúp gia tăng thu nhập cho bà con từ 10-20%. Ngoài ra, FoodMap cung cấp cho nông dân những thông tin chi tiết về thị trường, khả năng tiêu thụ, khả năng tiếp cận khách hàng của sản phẩm… Thông qua đó, nông dân, nhà cung cấp có thể lập kế hoạch sản xuất, thu hoạch trong tương lai cho phù hợp hơn.
1 trong 10 gương mặt tiêu biểu
FoodMap từng lọt vào top 10 công ty công nghệ nông nghiệp tiêu biểu khu vực APAC năm 2020; giải Nhất Blue Venture Award Mùa 3 - Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng 2020. FoodMap là đại diện của Việt Nam tham dự Vòng Chung kết Blue Venture Award Thế giới 2021. Cuối năm 2020, FoodMap đã gọi vốn thành công với hơn nửa triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Wavemaker Partners (Singapore).
Đặc biệt, với thành tích của mình, trong năm 2021 Phạm Ngọc Anh Tùng đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của năm do Trung ương Đoàn bình chọn. Ngoài ra, Tùng còn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
|
Nhật Minh