ClockThứ Bảy, 09/03/2019 12:31

Chinh phục ước mơ

TTH - Muốn giới thiệu Huế đến với du khách, chị Dương Thị Thúy Hằng ấp ủ ý tưởng rồi cho ra đời dự án “Chuỗi homestay trải nghiệm các làng nghề và gia đình truyền thống Huế” (Lotus Homestay)...

Khởi nghiệp trong thời đại toàn cầu hóaCác công ty khởi nghiệp châu Á “khát” đầu tư nước ngoàiChia sẻ nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp và kỹ năng thuyết trình

Chị Dương Thị Thúy Hằng và các cộng sự của dự án

Yêu Huế

Trong khuôn viên 5.000m2 tại số 87 đường Minh Mạng (TP. Huế), chị Hằng và các cộng sự của mình đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện các hạng mục đầu tiên của dự án “Chuỗi homestay trải nghiệm các làng nghề và gia đình truyền thống Huế” (Lotus Homestay) nhằm kịp phục vụ du khách trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế sắp tới. Với dự án này, du khách được trải nghiệm về sinh hoạt truyền thống của người dân Huế trong ngôi nhà được bài trí theo lối xưa cùng những vật dụng từ tranh, tre, gỗ, nứa; được trải nghiệm gần 10 nghề truyền thống ngay tại khuôn viên mình lưu trú như: làm hương, gốm, nón...

Vừa dẫn chúng tôi tham quan mô hình, nữ chủ nhân của dự án Lotus Homestay vừa kể về quá trình "thai nghén" đứa con tinh thần của mình. Sinh ra trong một gia đình truyền thống Huế, bà nội là con một vị quan thời vua Đồng Khánh nên từ nhỏ Hằng đã biết được nhiều lễ nghi, phép tắc của người Huế xưa. “Lúc còn là một học sinh tiểu học, tôi có ước mơ sẽ được đứng trước nhiều du khách trong và ngoài nước để giới thiệu về những nét độc đáo chỉ Huế mới có như chính bà tôi truyền đạt”, Hằng chia sẻ.

Tốt nghiệp THPT, Hằng dự định thi vào ngành du lịch để viết tiếp ước mơ của mình, nhưng nghe lời ba mẹ, Hằng lại thi vào Khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau khi ra trường, Hằng trúng tuyển vào làm việc tại  phòng thí nghiệm của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam. Nhưng khi đã khẳng định được bản thân, trở thành trưởng ca thì ước mơ thuở nhỏ lại ùa về. "Mỗi lần Huế tổ chức festival, tôi lại khát khao được làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi mong ước được giới thiệu những cái đẹp, cái riêng chỉ Huế mới có cho du khách thập phương. Đầu năm 2017, dù đã ở tuổi 36 và bận rộn công việc Hằng vẫn xin đi làm tour guide vào những ngày nghỉ ca. "Tôi lân la rất nhiều công ty du lịch để bày tỏ thiện ý của mình, nhưng dường như chỉ thành tâm thôi là chưa đủ. Đến đâu tôi cũng bị từ chối", chị kể.

Ngầm hiểu lý do, Hằng quyết tâm đầu tư thời gian học ngoại ngữ và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như phương pháp dẫn tour guide. Nỗ lực của chị được đền đáp khi Công ty Bee Bee Travel đồng ý cho chị tour guide phụ. Ngoài giờ làm tại công ty, chị sẵn sàng đi tour bất cứ vào thời gian nào. Không chỉ hướng dẫn theo kiểu giáo án, mà chị đã mang đến cho du khách nhiều hơn thế bằng sự hiểu biết về Huế của mình. Đó là lý do Hằng lấy được lòng nhiều du khách.

Và muốn giới thiệu về Huế

Trong quá trình làm tour guide, Hằng càng đam mê với những hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ước mơ làm nhịp cầu nối đưa Huế đến với du khách không còn dừng với vai trò là hướng dẫn viên mà chị muốn xây dựng chuỗi homestay trải nghiệm các gia đình truyền thống Huế, giúp du khách được khám phá văn hóa Huế bằng cách trải nghiệm nó trong chính ngôi nhà của gia đình mình. Lúc đầu gia đình không đồng ý, nhưng rồi chị đã thuyết phục được.

 Để khẳng định tính thực tế của dự án và kêu gọi đầu tư, Hằng gửi hồ sơ ứng tuyển tại Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng) và đã vượt qua nhiều hồ sơ để lọt vào vòng ươm tạo. Điều đó càng tạo niềm tin để Hằng làm tốt dự án hơn nữa. Trong quá trình ươm tạo, Hằng tranh thủ sự hỗ trợ của vườn ươm, tham gia giới thiệu, trưng bày dự án để quảng bá và kêu gọi đầu tư. Hoàn thành khóa ươm tạo cũng là lúc chị nhận được gói hỗ trợ từ dự án của Diễn đàn Nữ doanh nhân ASEAN 2018 với hơn 500 triệu đồng. Đây là hành trang quan trọng giúp chị có những bước đi vững chắc trên con đường khởi nghiệp thực hiện đam mê của mình.

Theo chị Hằng, khi hoàn thiện các giai đoạn, Lotus Homestay sẽ bao gồm khu trung tâm làng nghề truyền thống Huế với các dịch vụ ẩm thực, ca Huế, hàng lưu niệm, chụp ảnh cung đình, spa thảo mộc; kết nối các gia đình truyền thống và người dân để hỗ trợ, hướng dẫn du khách trải nghiệm văn hóa Huế; thiết kế các tour tham quan mua sắm trong thành phố… Cũng trong khuôn khổ gói hỗ trợ của mình, chị Hằng được dự án Diễn đàn Nữ doanh nhân ASEAN 2018 hỗ trợ thành lập Làng Văn hóa Đông Nam Á tại Huế. Với không gian văn hóa thu nhỏ này, Lotus Homestay còn là điểm đến cho các học sinh tham gia trải nghiệm trong những giờ học ngoại khóa.

Từ những nỗ lực của mình, hình ảnh chị Hằng đã được tạp chí Time Out - một ấn phẩm bằng tiếng Anh của báo Đầu tư (chuyên giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của Việt Nam đến với các nước) chọn đăng trang bìa trong tháng 2 vừa qua.

Hiện tại, chị Hằng đã được lên ca trưởng phụ trách khâu kiểm soát chất lượng tại Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế.

Chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh nhận xét: "Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của chị Dương Thị Thúy Hằng. Chị đã khẳng định phẩm chất của người phụ nữ Huế trong thời đại mới và trở thành nhân tố điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn chị làm hồ sơ để tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức".

Anh Lý Đình Quân, Giám đốc Công ty CP Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng) thì cho hay: “Chúng tôi đồng ý nhận ươm tạo khởi nghiệp cho dự án của chị Hằng vì tâm đắc bởi tính sáng tạo của dự án và khâm phục tính kiên trì, chịu khó theo đuổi đam mê của Hằng. Ngoài ươm tạo, chúng tôi còn kết nối kêu gọi hỗ trợ để dự án của chị được thực hiện tại Huế”.

Bài, ảnh: Tuấn Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, hiện tỉnh có trên 6.000 DN đang hoạt động. Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử như TikTok, Sendo, Tiki, Lazada và Shopee... tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.

Cùng doanh nghiệp chinh phục kinh tế số
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp
Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

Sáng 6/10, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức cuộc thi và trao giải chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ĐHH lần thứ VII, năm 2024” với mong muốn đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

TIN MỚI

Return to top