Một dự án khởi nghiệp giành chiến thắng trong một cuộc thi ở Singapore. Ảnh: ANITH
Cần chính sách thông thoáng
Trong một cuộc phỏng vấn của Nikkei Asian Review, nhiều công ty trẻ từ Việt Nam, Đài Loan cho đến Hàn Quốc, Indonesia… nói rằng họ cần các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp vốn và tiếp cận thị trường để giúp họ phát triển. Hầu hết các startup được hỏi đều bày tỏ mong muốn chính phủ đưa ra các quy tắc rõ ràng và thông thoáng hơn để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài.
Jocelyn Chung, Giám đốc tiếp thị chiến lược toàn cầu tại KKday, một công ty du lịch trực tuyến có trụ sở tại Đài Bắc cho rằng “nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực của chúng tôi. Chính phủ cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, cũng như bãi bỏ chính sách lao động và chú trọng việc trau dồi các tài năng trong nước”.
Đồng quan điểm với bà Jocelyn Chung, Giám đốc điều hành của iGrow Resources Indonesia, một dịch vụ kết nối các nhà đầu tư với các dự án nông nghiệp cũng chia sẻ, “các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tham gia và đầu tư vào nền tảng của chúng tôi” do các quy định khó khăn ở mỗi nước.
Ưu điểm của đầu tư nước ngoài
Linh Phạm, người sáng lập công ty khởi nghiệp logistics của Việt Nam Logivan Technologies, nhấn mạnh rằng “đầu tư nước ngoài giúp tạo ra sự quan tâm và năng động trong một ngành công nghiệp, do đó giúp mọi người dễ dàng biết về những gì các startup đang làm”. Cũng đề cao tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, Buzzvil - một nhà quảng cáo Hàn Quốc cho rằng nó giúp các công ty khởi nghiệp “chấp nhận rủi ro trên sân chơi toàn cầu với những ý tưởng mới”.
Hơn nữa, trong bối cảnh các startup công nghệ đang bùng nổ ở Đông Nam Á, “các công ty khởi nghiệp muốn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài vì họ có quy mô tài trợ lớn và am hiểu việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước thường có xu hướng nhỏ và ít quen thuộc với công nghệ thông tin mới”, ông Nobuaki Kitagawa, Giám đốc điều hành của CyberAgent Capital tại Thượng Hải nhận xét.
Người đồng sáng lập của Evoware, một startup Indonesia đang phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, như bao bì bằng rong biển có thể ăn được - thay thế cho nhựa, cũng thừa nhận rằng rất khó để các nhà đầu tư trong nước đạt được quy mô như của các nhà tài trợ nước ngoài. “Chúng tôi đang cố gắng giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới và do đó, chúng tôi cần các khoản đầu tư rất lớn cho việc đó”, ông nói.
Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu vốn cổ phần tư nhân (PE) châu Á có trụ sở tại Hồng Kông, số vốn từ các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân rót vào châu Á đã tăng 27%, đạt mức 166 tỷ USD trong năm 2018, đồng thời cũng đã có “nhiều khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong giai đoạn cuối (late-stage) hơn trước”.
Theo thống kê, năm 2018, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư startup, với tổng số vốn tăng gấp 3 lần so với một năm trước đó, đạt 889 triệu USD, trong đó có những dự án nhận được hàng triệu USD tài trợ từ các quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ... Điển hình có thể kể đến như dự án Offpeak của Christian Nguyễn nhận hàng triệu USD từ quỹ đầu tư lớn nhất Nhật Bản là Yahoo Japan, hay Vntrip.vn đã gọi được 3 triệu USD từ Fenghe Group (Trung Quốc) và Hancock Revocable Trust (Mỹ) ngay trong vòng gọi vốn đầu tiên.
|
Một cuộc khảo sát năm ngoái của Tech in Asia cho thấy đã có sự gia tăng mạnh mẽ các khoản tài trợ cho các startup đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2017. Tuy nhiên, nhiều công ty non trẻ châu Á vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc thu hút tiền đầu tư từ nước ngoài, khi nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn, ví như hạn chế về tỉ lệ sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng
Bên cạnh “cơn khát” vốn tài trợ, các công ty khởi nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nhân lực có trình độ.
Viva Republica, công ty đứng sau ứng dụng dịch vụ tài chính Toss của Hàn Quốc cho biết, thách thức lớn nhất trong vận hành hoạt động kinh doanh của họ là “tuyển người, bao gồm các kỹ sư lành nghề”.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Korn Ferry, lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới sẽ có thêm 4,3 triệu vị trí thiếu nhân công vào năm 2030, trong khi Nhật Bản sẽ thiếu 280.000 công nhân trong lĩnh vực này vào năm 2020. Ở châu Á, chỉ có Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thặng dư nhân công kỹ thuật, báo cáo cho biết. Theo đó, nguồn nhân lực chất lượng được cho là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á, nơi đến nay “vẫn chưa có một công ty CNTT nào đạt quy mô toàn cầu”.
Tuy nhiên, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và bối cảnh khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh, khu vực này đang trên đỉnh của sự bùng nổ kinh tế do ngành công nghệ thúc đẩy và chứa đựng nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thenextweb nhận định.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ Nikkei Asian Reviews, Thenextweb& Vietnam-briefing)