|
|
Nhóm sinh viên thực hiện dự án Bản đồ kết hợp du lịch và ẩm thực TP. Huế |
“Gói trọn” tình yêu du lịch, ẩm thực Huế
Gặp 4 sinh viên thực hiện sản phẩm dự án Bản đồ kết hợp du lịch và ẩm thực TP. Huế, tôi khá bất ngờ khi chỉ có một trong số bốn em là người Huế. Ba sinh viên còn lại đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng họ có điểm chung là tình yêu du lịch, ẩm thực Huế.
Nguyễn Thị Thùy Trang, nữ sinh viên quê ở Quảng Trị kể, dự án khởi nghiệp của nhóm bắt nguồn từ câu chuyện bản thân. Sinh viên xa quê đến Huế học khao khát khám phá những di tích, thắng cảnh, ẩm thực xứ Huế nhưng “mù” thông tin. Trái lại, thông tin trên mạng quá nhiều, gây khó cho sự lựa chọn. Thùy Trang và các bạn trong nhóm đã chọn cách đi khảo sát, trải nghiệm. Những địa điểm nổi tiếng, quán ngon được họ ghi lại, rồi từ những thôi thúc thử nghiệm làm sản phẩm khởi nghiệp trong trường ĐH, họ chọn đề tài này và hình thành được sản phẩm.
|
|
Nhóm sinh viên của Trường Du lịch nhận giải ba với dự án khởi nghiệp |
Bản đồ kết hợp du lịch và ẩm thực TP. Huế được in từ giấy cứng A3, có hai mặt. Mặt trước mô tả nội dung các điểm đến ẩm thực, du lịch và các món quà lưu niệm tại TP. Huế, mặt sau xây dựng các tuyến du lịch cho khách tham khảo. Ngoài bản đồ in trên giấy, sản phẩm còn liên kết tạo bản đồ online trên My Maps thông qua mã QR và các dịch vụ khác kèm theo.
Bản đồ ban đầu gồm 20 địa điểm du lịch, 12 điểm ăn uống và sẽ được mở rộng theo thời gian, dựa trên những trải nghiệm và khảo sát với mong muốn giúp những người thích trải nghiệm tự tạo chuyến đi cho mình, đặc biệt là người trẻ. “Theo tìm hiểu của nhóm thì hiện nay vẫn chưa có sản phẩm tương tự trên thị trường. Chúng em hướng đến sản phẩm với thiết kế hai chiều dạng giấy và online, tạo sự thuận tiện. Thiết kế nhỏ gọn, dễ gấp, màu sắc tươi mới phù hợp giới trẻ, các địa điểm và tour tuyến dễ nhìn và tham khảo. Hệ thống bản đồ online giúp dễ định vị và tìm kiếm điểm đến”, Nguyễn Hằng Nga, nhóm trưởng của dự án chia sẻ.
Theo đại diện nhóm sinh viên, câu hỏi “ăn gì, ở đâu” được rất nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ đặt ra khi đến Huế và phần đông đã vào mạng tìm kiếm. Điểm sáng tạo từ Bản đồ kết hợp du lịch và ẩm thực TP. Huế là có thể tổng hợp các địa điểm, thể hiện được khoảng cách địa lý giữa các điểm tham quan và ăn uống thuận lợi hơn trong lộ trình di chuyển và lựa chọn người du khách. Ngoài ra, những địa điểm ăn uống là nơi được giới trẻ ưa thích, phản hồi tốt, giá cả hợp lý.
Hằng Nga chia sẻ, khi thực hiện sản phẩm dự án, nhóm đã trải qua nhiều khó khăn. Cả 4 sinh viên đều là những người học chuyên ngành về quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, không giỏi về kỹ thuật thiết kế. Mặt khác, do vướng bận thời gian học tập, ít nhiều ảnh hưởng đến việc khảo sát, trải nghiệm các địa điểm, quán ăn. Song, với tình yêu du lịch và ẩm thực Huế, nhóm sinh viên muốn hình thành một sản phẩm mang lại tiện lợi cho du khách khi khám phá TP. Huế và giúp giới thiệu, quảng bá du lịch Huế tới gần hơn với du khách.
Phát triển dự án đóng góp cho du lịch Huế
Vừa qua, tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc lần thứ V - năm 2023, nhóm ý tưởng dự án Bản đồ kết hợp du lịch và ẩm thực TP. Huế đã được trao giải ba với những đánh giá về ý tưởng tốt và tính khả thi khi sản phẩm sáng tạo nhưng khá đơn giản nên dễ sản xuất, cơ cấu chi phí sản phẩm in ấn tiện lợi, hợp lý và sản phẩm có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, để đóng góp cho du lịch Huế, nhóm sinh viên còn phải hoàn thiện nhiều khâu để dự án thực sự phát huy được vai trò như mục tiêu ban đầu. Giá của sản phẩm sau khi ra thị trường sẽ ở mức hợp lý, khoảng 30.000 đồng/bản đồ.
Hằng Nga cho biết, thời gian tới, sản phẩm này không chỉ dừng lại ở một tấm bản đồ in ra trên giấy, mà còn phát triển thành một ứng dụng điện tử để du khách có thêm những tiện ích được tích hợp trong ứng dụng. Nhóm sẽ nhờ sự liên kết của Trung tâm Xúc tiến Du lịch - Sở Du lịch tỉnh để xuất bản thành tấm bản đồ du lịch đưa đến các địa điểm tham quan và phát cho du khách. Đồng thời, sẽ kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ nhằm phát triển sản phẩm này thành ứng dụng trong tương lai.
Một điều đáng trăn trở đó là đảm bảo các cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả cho du khách. Giải quyết vấn đề trên, nhóm sinh viên sẽ nỗ lực làm việc với các địa điểm, quán ăn trên bản đồ dự án để thực hiện cam kết, hướng đến mục tiêu chung đóng góp cho du lịch Huế.
PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, hiện, nhà trường cũng đã quyết định đầu tư một khoản kinh phí để chuyển ý tưởng đó thành những sản phẩm cụ thể. Trước mắt sẽ là bản đồ các tour, tuyến du lịch và ẩm thực cho du khách bằng giấy, trong đó sẽ có những thông tin chi tiết về địa điểm du lịch, ăn uống. Giai đoạn sau này sẽ kêu gọi các nhà tài trợ lớn để chuyển sản phẩm thành bản đồ số hóa.