Đặc sản bánh gói Hương Cần được giới thiệu tại Chợ tết công đoàn ngày 6/1/2023. Ảnh: HL
Làng Hương Cần xưa gồm 5 giáp, giáp nào cũng trồng quýt, nhưng ngon thơm hơn cả là quýt Giáp Kiền – một dải đất phù sa nằm sát ngay lưu vực sông Bồ. Nổi tiếng là một thứ cây trái xưa dùng để tiến vua, quýt Hương Cần (xã Hương Toàn) nay vẫn còn đó. Được ưa chuộng, nhưng quýt Hương Cần vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách về mở rộng diện tích và cả thị trường tiêu thụ. Vậy nên, tổ liên kết phụ nữ giúp nhau trồng và thu mua quýt được thành lập.
Giúp nhau trồng và thu mua quýt Hương Toàn là 1 trong 5 tổ phụ nữ liên kết làm kinh tế, do Hội LHPN thị xã Hương Trà chỉ đạo thành lập. Các tổ còn lại có tổ ép dầu lạc và tổ trồng, tiêu thụ chuối tiêu ở phường Hương Văn; tổ may ở phường Tứ Hạ và CLB khởi nghiệp “Bánh lá Hương Cần” tại xã Hương Toàn. Hội LHPN thị xã Hương Trà cũng đã thành lập mới 4 tổ liên kết, gồm: tổ trồng, tiêu thụ bưởi da xanh ở xã Hương Bình; tổ trồng, tiêu thụ nếp cẩm tại xã Bình Tiến; tổ nuôi gà đẻ trứng ở xã Bình Thành và tổ nuôi gà đẻ trứng ở phường Hương Vân.
Là thành viên CLB bánh lá Hương Cần, bà Nguyễn Thị Gái tâm sự, trước tiên là có thêm bạn bè để hàn huyên, trao đổi chuyện đời thường. Sau đó là chia sẻ kinh nghiệm làm bánh và bán bánh. Ở tuổi đã gần “xưa nay hiếm”, bà Gái vẫn hồ hởi nói về những khách hàng “không biết mặt” khi việc mua bán bánh lá Hương Cần hiện nay có khi chỉ cần thông qua điện thoại, hay mạng zalo.
Mới đây, chị Dương Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn được Hội LHPN thị xã Hương Trà vận động tham gia cuộc thi “Phụ nữ kinh doanh tài ba”, do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết bánh gói Hương Toàn” của chị Thu Hương đạt giải khuyến khích tại vòng chung kết “Bùng nổ”. Cùng tham gia mô hình khởi nghiệp cấp tỉnh này, Hương Trà còn có chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn nhận được giải ý tưởng sáng tạo với dự án “Sen kết hợp với du lịch sinh thái”; chị Trần Thị Uy, hội viên Hội LHPN phường Tứ Hạ đạt giải thí sinh nhiệt huyết với dự án “Làm bánh trung thu”.
Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, theo dõi các cuộc thi "Phụ nữ kinh doanh tài ba" và “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, bà nhận thấy đây là những cơ hội rất tốt để chị em phụ nữ được thể hiện bản thân mình. Tham gia các cuộc thi này, chị em có thể trưng bày, giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm thực tế của những dự án khởi nghiệp, gặp gỡ, giao lưu với các cố vấn/huấn luyện viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp.
Hội LHPN thị xã Hương Trà hỗ trợ kiến thức về khởi nghiệp và cho vay vốn 100 triệu đồng để chị Huỳnh Thị Hồng (Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Bình) mua cơ sở vật chất và máy móc mở cửa hàng mua bán hương, trầm; qua đó, xây dựng nhãn hiệu của chính mình. Sắp đến, hỗ trợ chị Hồng tham gia cuộc thi khởi nghiệp tại tỉnh, giúp chị mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm và kêu gọi vốn đầu tư cho cơ sở kinh doanh của mình.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cán bộ Hội LHPN thị xã Hương Trà, hạn chế lớn nhất hội viên và phụ nữ địa phương trong khởi nghiệp và làm ăn kinh tế là thiếu tự tin và khả năng tiếp thu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kỹ năng giao tiếp và bán hàng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Họ cần được hỗ trợ và bản thân phải học tập và nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
Hội LHPN các xã, phường thuộc thị xã Hương Trà giúp 11 phụ nữ trên địa bàn kinh doanh và khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ vốn để mua sắm các phương tiện kinh doanh hay mua con giống, cây giống để phát triển kinh tế. Sắp đến, Hội LHPN thị xã Hương Trà dự kiến xây dựng 1 địa chỉ tiêu thụ sản phẩm chuối tiêu tại Hương Vân. Đây sẽ là địa điểm để các thành viên trong tổ liên kết trồng và tiêu thụ chuối tiêu phường Hương Vân có nơi tập kết, giao thương chuối tiêu để tránh tình trạng bị ép giá.
THU HUẾ