ClockThứ Sáu, 28/12/2018 14:00

Người trẻ & khởi nghiệp

TTH - Không thua kém những đơn vị ở các tỉnh, thành bạn, nhiều sinh viên từ các “lò” đào tạo Huế đã và đang làm chủ tương lai bằng những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và hiện thực hóa giấc mơ vươn mình ra khỏi tư duy tìm việc.

Thay đổi thái độ để khởi nghiệpKhởi nghiệp từ đam mê túi xách thời trang“Thanh niên khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo”Muốn “khởi động” lại phải đảm bảo lợi íchKhai trương hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế

Thành viên nhóm dự án du lịch sáng tạo (Khoa Du lịch, ĐH Huế) hướng dẫn khách các trò chơi trải nghiệm

Chuyện của nữ giám đốc tuổi 24

Cuối năm 2018, tôi có dịp gặp lại Phạm Thị Ân (sinh năm 1994), cựu sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế với vai trò giám đốc điều hành của một công ty được định giá lên đến 9 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng, có đến 7 nhà phân phối trong cả nước. Thấy tôi ngạc nhiên, Ân mỉm cười: “Phong trào khởi nghiệp tại Huế với sự hỗ trợ của các chuyên gia giúp em thay đổi tư duy, biến điều khó tin trở thành hiện thực”.

Năm 2016, khi đang là sinh viên Trường ĐH Nông lâm, Phạm Thị Ân đăng ký tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế”. Vốn liếng ban đầu chỉ có chút kinh nghiệm chuyên môn được học ở trường lớp và mong muốn thử thách bản thân. Thế nhưng, sự đầu tư kỹ lưỡng cho dự án nghiên cứu đã giúp nữ sinh viên thuyết phục được ban giám khảo để giành giải nhì với ý tưởng “Phát triển và mở rộng thuốc trừ sâu sinh học từ các loại thảo mộc”.

Bước ra cuộc thi, Ân cũng đổi mới tư duy về chọn lựa kế hoạch cho tương lai. Thời điểm đó, phong trào khởi nghiệp tại Huế chưa mạnh, bạn bè Ân còn quan niệm học ra trường cầm hồ sơ đi xin việc, hay tìm đến cuộc thi khởi nghiệp chỉ mong có bản lý lịch “đẹp” hơn trong mắt nhà tuyển dụng. “Lúc đó, em cũng sợ nhưng nghĩ kiến thức được học không chỉ để làm thuê, mà có thể vận dụng tự làm ra sản phẩm của chính mình, tạo được việc làm cho người khác. Nếu không thử, chắc chắn không có thành công”, Phạm Thị Ân bộc bạch.

Phạm Thị Ân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân (bìa trái) ký kết hợp tác

Chỉ sau 4 tháng rời giảng đường, Ân xoay sở nguồn vốn nhỏ để mở Công ty cổ phần Ứng dụng khoa học nông nghiệp sạch Hồng Ân, sản xuất và phân phối các sản phẩm thảo mộc ngay tại Huế. Kế hoạch khởi nghiệp đầu tay chưa thực sự thành công khi tiếp cận khách hàng còn ít. Hơn nửa năm sau, chủ nhân của giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Huế” chuyển hướng tìm thị trường ở TP. Đà Lạt và ngay tại đây, cô đã kêu gọi được nhà đầu tư (nguồn vốn 250 triệu đồng) trong hướng đi mới với sản phẩm rượu nấm Linh Chi Gaco. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân cũng ra đời từ đó và nhanh chóng hút khách.

Lần gặp gỡ này, Ân còn báo thêm với tôi tin mừng, cuối tháng 11/2018, dự án khởi nghiệp rượu nấm Linh Chi Gaco là dòng sản phẩm được lựa chọn trong số 100 ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 của Tỉnh đoàn Lâm Đồng. Ngay tại diễn đàn về kết nối doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp, cô gái bước ra từ “lò” đào tạo Huế đã ghi thêm dấu mốc quan trọng khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, mở ra triển vọng về hướng xuất khẩu trong tương lai.

Còn nữa những tiềm năng

Nếu nói Phạm Thị Ân là một trong những gương mặt điển hình của sinh viên Huế tìm được hướng đi mới từ việc thay đổi tư duy từ tìm việc sang tự khởi nghiệp thì đến cho đến hết năm 2018 – năm mà ĐH Huế đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã và đang có nhiều quả ngọt từ những tư duy dám đột phá.

Nhóm sinh viên dự án Leafpic - Pro trao đổi những hướng đi trong dự án khởi nghiệp

Chỉ tính riêng năm 2018, ĐH Huế đã có hàng loạt ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải, đơn cử như dự án Leafpic-Pro phần mềm xác định thiếu thừa đạm trên cây trồng cho smartphone (đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh); Bản đồ đặc sản Việt Nam – VNSpecial (giải B cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và giải ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên), ứng dụng CNTT để phục hồi chức năng (cuộc thi Starup! Ý tưởng khởi nghiệp của Tổ chức ĐH Pháp ngữ), Cầu nối trải nghiệm văn hóa bản địa với nghệ nhân” (cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ĐH Huế)…

Điều đáng mừng là, so với giai đoạn trước, chủ nhân của những dự án, ý tưởng khởi nghiệp đeo đuổi, nhập cuộc sớm vào con đường khởi nghiệp và hầu hết các dự án đều đang được vận hành theo đúng lộ trình. Điển hình như dự án Leafpic-Pro đã trải qua giai đoạn để nông dân thử nghiệm sản phẩm và chuẩn bị tung ra thị trường phiên bản hoàn chỉnh, hay du lịch trải nghiệm đã bán được tour. Trần Thị Phương Nhung, sinh viên năm 2, Khoa Du lịch, ĐH Huế, thành thật: “Đa phần thành viên nhóm là sinh viên năm thứ hai, ba nhưng đã có thể kiếm tiền từ việc làm tour thông qua dự án khởi nghiệp. Bọn em không còn gò bó trong tư duy phải tìm một công việc khi ra trường”.

Bước tiến nhanh về phong trào khởi nghiệp trong sinh viên ĐH Huế được chính ông Trương Thanh Hùng, chuyên gia cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Sáng lập điều hành FiNNO, người từng làm giám khảo và hỗ trợ phong trào khởi nghiệp nhiều địa phương đánh giá là không thua kém các thành phố lớn trong toàn quốc. Sau Phạm Thị Ân (do chính ông hướng dẫn), có nhiều gương mặt khác giàu triển vọng xuất hiện và tư duy của sinh viên với khởi nghiệp đang dần thay đổi. Điều này phù hợp chủ trương khởi nghiệp mà Chính phủ quan tâm, nhất là đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vui hơn nữa là ĐH Huế đã sẵn sàng với không gian làm việc chung, ươm tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Chắc chắn trong năm mới, hàng loạt dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo có giá trị sẽ ra đời và trên bản đồ doanh nghiệp Việt sẽ xuất hiện những cái tên mới, rất trẻ nhưng giàu tiềm năng.

HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc

“Tôi muốn mỗi tác phẩm của mình không chỉ đẹp, mà còn phải kể được câu chuyện của người Cơ Tu, về cuộc sống, tín ngưỡng và những giá trị truyền thống mà cha ông để lại” - Phạm Văn Vệ, một chàng trai 26 tuổi với đam mê khắc họa bản sắc dân tộc qua từng đường nét gỗ chạm, chia sẻ.

Người trẻ khắc họa bản sắc dân tộc
Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Return to top