ClockThứ Năm, 07/02/2019 14:54

Xưa để mới

TTH - Hơn cả niềm vui đạt hai giải nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), câu chuyện của Xưa đi vào lòng người bằng sự tinh tế của một người trẻ, biết dựa vào văn hóa truyền thống để phát triển.

Thay đổi thái độ để khởi nghiệpNgười trẻ & khởi nghiệpKhai trương hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế

Những gót giày độc đáo của Xưa

 Khai thác giá trị truyền thống

Xưa là tên gọi ngắn của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Xưa (M52 khu đô thị mới Đông Nam Thủy An, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), do Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, cô gái có gương mặt khả ái và cách nói chuyện trẻ hơn nhiều so với tuổi 32, làm giám đốc. Sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng Quỳnh Anh đã có một thời gian sinh sống và kinh doanh nhỏ lẻ tận trời Âu (Cộng hòa Séc). Trước khi đến với Cuộc thi KNĐMST, gia đình nhỏ của Quỳnh Anh đã về hẳn ở Huế và công ty cũng đã thành lập được khoảng 2 tháng. Có độ lớn thị trường, lợi thế nhân lực và mô hình kinh doanh hiệu quả, dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang” của Xưa, cùng lúc đạt hai giải nhất về KNĐMST trong năm 2018 của Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cơ duyên khởi nghiệp của Quỳnh Anh từ sản phẩm giày dép có ứng dụng thủ công mỹ nghệ truyền thống bắt đầu từ đôi guốc mộc của một người bạn. Lúc còn thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Séc, Quỳnh Anh thích chọn mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của quê nhà để làm quà tặng cho bạn bè thân thiết ở nước ngoài. Một lần tặng bạn đôi guốc mộc, bạn thích lắm, lúc nào ra ngoài cũng sử dụng. Bẵng một thời gian, không thấy người bạn ấy dùng nữa. Hỏi ra mới biết, do trời mưa, guốc trơn trượt, bạn té ngã ê ẩm nên sợ, cất luôn. Hình ảnh đôi guốc mộc của bạn cứ ám ảnh Quỳnh Anh mãi. Cộng thêm niềm yêu thích thời trang, giày dép, Quỳnh Anh đã nghĩ, áo dài truyền thống Việt Nam được cách tân với nhiều mẫu quá đẹp, tại sao mình không thử với đôi guốc mộc. Nghĩ là làm. Quỳnh Anh không thử mà làm thật, bằng cách ứng dụng thủ công mỹ nghệ truyền thống để cách tân gót giày thời trang.

“Huế có rất nhiều thầy giỏi, thợ giỏi nhưng họ lại chọn các thành phố lớn để phát triển. Mời họ về Huế cộng tác là cả một vấn đề không đơn giản với Xưa. Một số người thợ bậc cao, tay nghề giỏi đang ở Huế thì họ lại “ẩn mình”, không dễ hợp tác theo phương thức làm việc mới. Nhưng rồi nhờ kiên trì, thêm chút may mắn, Xưa đã có được những cộng sự có giỏi nghề, có trách nhiệm và cả niềm đam mê”, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh chia sẻ. Vượt qua những khó khăn ban đầu ấy, sản phẩm của Xưa hôm nay đã thu hút được sự quan tâm của khách hàng, dòng khách ưa chuộng sản phẩm cao cấp và không đụng hàng. Quỳnh Anh tự hào: “Xưa có thế mạnh về mảng thiết kế. Ngoài phần thân có máy móc hỗ trợ thực hiện, phù hợp với xu hướng thời trang, thì phần gót giày được làm thủ công 100%. Trên chất liệu gỗ mít, gỗ mứt, gót mộc được trang trí bằng kỹ thật chạm trỗ, khảm, sơn mài. Các họa tiết lấy cảm hứng từ sen, trống đồng, văn hóa cung đình... Chúng tôi sẽ dần đơn giản hóa các mẫu chạm khắc để có thể hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang về họa tiết, màu sắc, đảm bảo sản phẩm dù đơn giản nhưng vẫn tinh tế và không bị lỗi thời”.

 Đôi giày có gót khắc họa tiết trang trí trống đồng Đông Sơn

 Hướng ra biển lớn

Trên diễn đàn KNĐMST, dự án “Ứng dụng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cho ngành sản xuất giày dép thời trang” của Xưa được đánh giá cao về nhiều mặt. Xưa đã là một doanh nghiệp khởi nghiệp đã hoàn chỉnh, có thị trường, có chiến lược và xây dựng được mạng lưới phân phối lâu dài. Xưa cũng tạo được điểm mạnh khác biệt ở chỗ, sản phẩm họ cung cấp phù hợp với nhu cầu thị trường ở phân khúc trung và cao cấp. Trong mỗi sản phẩm giày ấy, họ biết tăng giá trị bằng cách kết hợp các yếu tố đông - tây. Gót giày, điểm độc đáo riêng biệt của sản phẩm, thì được chế tác thủ công hoàn toàn từ các ngành nghề truyền thống của Việt Nam.

Ở góc độ nào đó, có thể việc chọn Huế lập cơ sở kinh doanh của Quỳnh Anh là đi ngược lại nguyên tắc giảm thiểu rủi ro đối với một thương vụ đầu tư. Nhưng, Quỳnh Anh lại có đủ tự tin để theo đuổi giấc mơ của mình ngay trên đất Huế. Với nguồn vật liệu sẵn có, có cộng sự giỏi tay nghề, tâm huyết và đam mê, sản phẩm của Xưa có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, giá thành sản phẩm của Xưa dao động từ một đến năm triệu đồng/đôi, thấp nhất là dòng sản phẩm sơn mài. Giám đốc của Xưa giới thiệu: “Giá này đã được “ép” rất nhiều để ngày càng có nhiều chị em có thể sử dụng. Giá trị của những đôi giày có gót được chế tác thủ công ở chỗ độc bản và hao tốn rất nhiều trí lực của người thợ. Nếu khách hàng hiểu được điều đó, họ sẽ ý thức được giá trị của sản phẩm mình chọn lựa”.

Phái đẹp tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của Xưa

Hướng đến thị trường xuất khẩu, ngay từ đầu Xưa đã “gò” chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí châu Âu. Kinh nghiệm bán hàng bao nhiêu năm ở Sec luôn nhắc Quỳnh Anh chú trọng về chất lượng sản phẩm. Đó vừa tuân thủ luật chơi ở xứ người, vừa tạo dựng uy tín cho chính mình. Vì vậy, sản phẩm của Xưa luôn phải đảm bảo có chất lượng sử dụng tối thiểu hai năm mới được “ra ngoài” với khách hàng. Và trước khi ra “biển lớn”, Xưa xác định phải xây dựng được thương hiệu ngay trên đất Huế, sau đó mở rộng ra các thành phố lớn trong nước. Nhiệm vụ này được Xưa xác định như “tấm vé” uy tín để qua các cửa xuất khẩu. “Mang nhiều giá trị độc đáo, liệu Xưa làm gì để chống hàng nhái?”. Bà chủ nhỏ cười nhẹ: “Xưa đưa sản phẩm ra thị trường với tâm thế rất tự tin. Đó không phải là sản phẩm của riêng cá nhân nào, mà là sự cộng hưởng từ những tay thợ giỏi, từ những con người có cùng đam mê, cùng chí hướng. Do đặc thù hình khối của gót giày, có rất nhiều chi tiết tỉ mỉ mà máy móc không thể làm thay con người. Vì vậy, nếu có ai đó muốn nhái hàng của Xưa, chắc chắn họ phải có đội ngũ như Xưa. Còn nếu ở nước ngoài, nơi có rất nhiều thợ giỏi thì chắc chắn họ không thể có giá thành cạnh tranh như của Xưa”.

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương

TIN MỚI

Return to top