Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương
Như vậy hàng giả, hàng nhập lậu vẫn tồn tại trên thị trường tết với số lượng khó kiểm soát, thưa ông?
Hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… hiện đã có bước thụt lùi trên thị trường, chỉ ngoại trừ mặt hàng trái cây của Trung Quốc, Thái Lan đang ồ ạt tuồn vào Việt Nam và tỏa khắp các điểm bán lẻ. Mặc dù biết thực chất nguồn gốc, nhưng khi vào được thị trường nước ta và được gắn nhãn hiệu hàng Việt, nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, phân biệt, xử lý. Năm nay hàng trái cây chiếm nhiều hơn các mặt hàng khác.
Người tiêu dùng đang bị đánh lừa và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là quá rõ?
Theo tôi chưa hẳn như vậy. Hiện nay, người tiêu dùng rất thận trọng và tinh ý để tránh mua phải hàng dỏm, hàng kém chất lượng. Thực ra, mặt hàng trái cây thời điểm này chủ yếu được người dân chọn mua để phục vụ tâm linh, đơm cúng trong các ngày Tết chứ ít dùng để ăn. Hàng hóa tiêu dùng thực sự trong các ngày Tết chính là bánh, kẹo, mứt, thực phẩm tươi sống... Mặt hàng này không chỉ hàng ngoại mới tốt như nhiều người nghĩ mà hiện nay, hàng Việt Nam sản xuất cũng không thua kém về chất lượng, mẫu mã.
Lực lượng chức năng kiểm tra thị trường hàng tết
Xu hướng hiện nay của người dân đang chuộng hàng ngoại, trong đó có cả thực phẩm, hàng may mặc sắm Tết- ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Đã nói thị trường văn minh thì không thể không có hàng ngoại. Nhưng quan trọng nhất là nó phải đúng thị hiếu và phải đảm bảo chất lượng. Hàng nước ngoài chất lượng có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ kích thích hàng Việt phát triển. Tuy nhiên, chúng ta phải ngăn chặn, đấu tranh với tư tưởng xem trọng, “sính” hàng ngoại, trong khi hàng Việt không hề thua kém về chất lượng, mẫu mã và giá cả phải chăng. Theo tôi, nếu hàng ngoại tốt, có chất lượng, đáp ứng tầng lớp thị hiếu cao thì vẫn cần thiết. Nhưng nếu hàng ngoại kém chất lượng, hàng ngoại giả, không đủ giấy tờ hợp pháp thì phải bài trừ.
Bên cạnh đó, cần vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vì hiện nay, đa số các mặt hàng Việt đều có chất lượng, có thương hiệu, giá cả phù hợp. Mặt khác, nếu xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện cũng dễ xử lý. Chúng ta cũng phải cân nhắc kỹ tỷ lệ hàng ngoại nên chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần để cho nhập khẩu. Ví dụ mặt hàng nào doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì nên ưu tiên thông qua hàng rào kỹ thuật thương mại để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đó.
Hàng nội và hàng ngoại trên thị trường Thừa Thiên Huế có sự chênh lệch như thế nào, thưa ông?
Trong các siêu thị, các chợ lớn, hàng nội đang chiếm đến 90%. Sở dĩ lượng hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn là do hàng Việt phù hợp với túi tiền, khả năng tiêu dùng của người dân. Còn các thị trường truyền thống ở các chợ nông thôn, hàng ngoại vẫn có mặt. Nhưng hàng ngoại ở đây đa phần là hàng không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng mong muốn người tiêu dùng. Trong khi nhận biết của bà con còn hạn chế, khó phân biệt giữa hàng thật, hàng giả, nên đây là cơ hội để các đối tượng lợi dụng đưa hàng ngoại, kể cả hàng nội kém chất lượng về tiêu thụ. Điều này gây khó khăn cho công tác nhận định thị trường, công tác kiểm tra, kiểm soát.
Nghĩa là thị trường nông thôn là nơi dễ tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng?
Thực trạng hiện nay của thị trường nông thôn còn khá bất cập, phức tạp, khác với thị trường thành phố. Việc cấp phép cho các hộ kinh doanh ở nông thôn chưa được chú trọng. Nên, nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng cao hơn. Ngành đã thực hiện giải pháp đưa hàng từ thành phố về các vùng nông thôn thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường. Nhờ đó, người dân được tiếp cận với đa dạng mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; đồng thời làm giảm và tiến đến chặn đứng “đất sống” của hàng giả, hàng kém chất lượng.
Dịp Tết này, chúng tôi đã phối hợp với một số doanh nghiệp đưa 10 chuyến hàng về các vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu cho bà con với giá cả bình ổn. Ngành cũng kết hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã tuyên truyền cho bà con phân biệt được hàng Việt Nam chất lượng cao với hàng kém chất lượng. Tiến hành cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết mua, nhận hàng hóa phải biết được nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, thời hạn sử dụng, đảm bảo độ tin cậy cao để cung ứng cho người dân. Với những việc làm này, tin chắc một thời gian nữa, thị trường nông thôn sẽ ổn định và là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp kinh doanh chân chính phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Kế hoạch sắp tới của ngành để đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng khỏi thị trường?
Chủ trương của tỉnh cũng như của ngành chức năng là phải đẩy lùi dẫn đến triệt tiêu hàng giả, hàng nhái trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác kiểm tra, kiểm soát tại các đường biên giới, cửa khẩu, tuyến đường bộ, đường sắt liên tỉnh còn thiếu chặt chẽ. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, tham mưu siết chặt hàng hóa nhập khẩu, nhập cảnh, khu vực hải quan cũng như khu vực lưu thông. Cần hơn nữa là sự hợp tác của người tiêu dùng trong việc từ chối, từ bỏ tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ. Nhà nước cần có những chế định, chế tài thật nặng với những hành vi bất chấp, gian lận thương mại để thị trường hàng hóa Việt thật sự đảm bảo chất lượng và an toàn.
Ở Thừa Thiên Huế, hình thức mua bán qua mạng, qua facebook đang phát triển mạnh mẽ, vậy ngành đã vào cuộc như thế nào thưa ông?
Theo thông báo của Bộ Công thương, trên website của tỉnh chỉ một vài doanh nghiệp lớn có đăng ký trang web giao dịch mua bán với cơ quan chức năng. Còn lại, những website, facebook cá nhân tự đứng ra mở để chào mời, giao dịch mua bán thì hầu như chưa được đăng ký. Tất nhiên, không phải trang mua bán nào cũng đều xấu, nhưng đây là hình thức mua bán dễ bị lợi dụng nhất, nên chúng tôi sẽ phân loại và tuyên truyền, định hướng cho những trang giao dịch, mua bán lành mạnh đăng ký hoạt động đúng quy định.
Sở Công thương đang có hình thức tuyên truyền để phổ biến cho những đối tượng có hoạt động kinh doanh trên trang web, facebook cá nhân phải đăng ký kinh doanh. Trọng tâm trong năm 2017, ngành sẽ đưa vào quản lý các đối tượng này để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.
HOÀI THƯƠNG (thực hiện)