ClockThứ Bảy, 12/08/2023 14:46

Kích cầu tiêu dùng nội địa: Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Các địa phương, doanh nghiệp đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng ở thị trường nội địa nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thêm giải pháp kích cầu tiêu dùngKích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi kinh tếKích cầu tiêu dùng sau dịch COVID-19Đề xuất giảm thuế ‘cứu’ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùngKích cầu tiêu dùng nội địa – đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế

leftcenterrightdel
Nhiều kênh phân phối triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng. 

Tăng trưởng thị trường nội địa được duy trì

Năm nay, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép triển khai chương trình khuyến mại tập trung "Shopping Season" kéo dài từ ngày 15/6 đến 15/9. Các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại với mức giảm giá hấp dẫn, có thể lên đến 100% giá trị hàng hóa.

“Do thời gian kéo dài, chương trình sẽ có những điểm nhấn để hoạt động khuyến mại đi vào thực chất, từng bước xây dựng thương hiệu mua sắm cho Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, như phối hợp Sở Du lịch tổ chức lễ hội sông nước. Cũng trong đợt này, Sở Công thương đẩy mạnh tuyên truyền cho đề án không dùng tiền mặt, qua đó giúp người dân có thêm phương tiện, điều kiện thanh toán phù hợp, an toàn”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chương trình khuyến mại tập trung "Shopping Season" là một trong những chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa nổi bật được các địa phương triển khai trong thời gian qua. Theo Tổng cục Thống kê, thị trường nội địa tiếp tục là điểm sáng của kinh tế vĩ mô thời gian qua khi duy trì tăng trưởng rất ổn định.

Cụ thể, tháng 7 là tháng cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh thu tăng, đặc biệt là du lịch. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,7%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,7%).

Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì ở mức 2 con số, cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa nước ta.

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, sức mua của thị trường nội địa trong 7 tháng qua đã phục hồi tương đối mạnh mẽ, là điểm sáng tích cực trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác gặp khó khăn. Thị trường nội địa là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nên việc duy trì đà tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa là yếu tố quan trọng đóng góp cho GDP.

Tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng

Dù duy trì mức tăng tương đối cao và ổn định, tuy nhiên, nếu tính theo giá hiện hành, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 đạt quy mô cao hơn nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

leftcenterrightdel
Kỳ vọng lớn từ các chương trình kích cầu nội địa. 

Bên cạnh đó, con số này vẫn chưa bằng thời gian trước đại dịch Covid-19. Chưa kể, nhu cầu và sức mua của người dân nhìn chung vẫn còn yếu, chưa đạt được bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

Trong bối cảnh chi tiêu Chính phủ, tổng mức đầu tư công không còn được duy trì ở mức cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng... thì ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, từ đầu tháng 7, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đây là động thái tốt giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế VAT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng.

Do đó, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Có thể khẳng định chính sách này cũng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, “liều thuốc” trên vẫn chưa đủ mà cần tăng thêm “liều” bằng nhiều giải pháp tăng sức mua cho thị trường như triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa thông qua công cụ từ nhà nước và cả doanh nghiệp.

Đơn cử, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc Saigon Co.op, nhằm kích cầu mua sắm trong mùa tựu trường sắp tới, hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) gồm Co.opmart, Co.opXtra… cũng sẽ thực hiện giảm giá từ 20-30% cho các sản phẩm dụng cụ học tập, quần áo, cặp sách…

Hoặc tại thành phố Hà Nội tổ chức các chương trình khuyến mại kéo dài hơn, giảm giá sâu hơn. Vào những tháng thấp điểm tiêu dùng như tháng 5, tháng 7 và tháng 11 có các chương trình khuyến mại riêng để kích cầu thị trường. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Ngoài ra, vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 101 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành 6 tháng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12.

Theo đó, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại…

Việc giảm thuế VAT được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính sách này chính là người tiêu dùng.

Năm 2022, thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm tăng 9%. Với sự vào cuộc của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp, có thể kỳ vọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ được duy trì tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới, góp phần tăng trưởng kinh tế cả nước.

Theo Nhân Dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2024

Theo khảo sát và nghiên cứu, Ấn Độ đã quyết tâm vượt qua những cơn gió ngược toàn cầu vào năm 2023, qua đó nâng cao khả năng nước này vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ nhu cầu ngày càng tăng, lạm phát vừa phải, chế độ lãi suất ổn định và dự trữ ngoại hối dồi dào.

Ấn Độ vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2024

TIN MỚI

Return to top