Lộc Bình có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: DUY DƯƠNG
Khai hoang vỡ đất
Tuyến Quốc lộ 49B vắt qua xã Lộc Bình vươn qua những cánh rừng keo, tràm bạt ngàn xứ biển in đậm dấu chân của những lâm dân thuở khai hoang phục hóa.
Theo chỉ dẫn của Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình Lê Đức Phương, chúng tôi tìm đến nhà lão nông Huỳnh Văn Thanh (79 tuổi, thôn Hòa An) khi đã quá giờ trưa. Trên vai thủng thẳng cây mác cùng chai nước, ông khoan thai bước xuống từ cánh rừng sau nhà. Từng tấc đất rừng nơi miền núi đá này đã thấm vào máu thịt của ông.
Ở tuổi 79 mà nom như lực điền, ông Thanh bảo: “79 tuổi rồi. Gác cây mác là… chết. Nhưng niềm yêu rừng, yêu mảnh đất này vẫn thôi thúc tôi ươm những mầm xanh trên núi đá”.
Câu chuyện kỳ tích “dựa” núi của ông được bắt đầu sau giải phóng năm 1975, từ cuộc giãn dân từ xã Vinh Hiền (Phú Lộc) qua Lộc Bình để khai hoang trồng rừng. Nói là trồng rừng thuở đó là “hơi quá” bởi ban đầu những cư dân đầu tiên qua đây chủ yếu mót củi mang về xuôi đổi gạo ăn vì vùng đất Vinh Hiền không có đất làm ruộng.
Năm 1989, bước chân đầu tiên của ông Thanh đã in dấu trên vùng núi Hồng Rẫm. Những cây dương, cây bạc hà đầu tiên ông trồng theo phong trào “Trồng cây nhớ Bác”, qua thời gian nay vẫn còn giữ lại khoảng 30 cây để “kỷ niệm” thuở khai hoang.
Trồng rừng vốn gian truân, trồng được rừng trên núi đá thì gian nan hơn bội phần. Sau trận lụt lịch sử 1999, được chính quyền địa phương hỗ trợ, ông phát triển trồng rừng bằng cây keo tai tượng và tràm hoa vàng. Những ngày mở đường lên núi biết bao khó khăn không thể kể xiết.
“Hồi đó không có máy móc, vùng núi Hồng Rẫm rộng bao la, ấy thế mà lâm dân ở đây vẫn cần mẫn gùi cây giống, cơm đùm gạo bới lên núi để bới đá tìm…đất. Cứ moi đất được chỗ nào thì dặm cây ở chỗ đó. Những nơi nhiều đá thì phải đục tạo mặt bằng để ươm cây. Hồi đó công cán thì rẻ nhưng mình không có tiền để thuê, chỉ dựa vào sức lao động trong gia đình”, ông Thanh trải lòng.
Cứ gùi cây giống lên lúc mặt trời mọc, bới đất tìm đá đến khi mặt trời lặn, ngả bàn tay người không thấy gì mới về suốt mấy năm liền, ông Thanh đã có những mầm xanh đầu tiên, mọc xen lẫn giữa đá núi trùng điệp. Sau này, ông dần thay thế cây trồng bằng cây keo lai, tràm. Tuyến Quốc lộ 49B được nâng cấp cũng tạo điều kiện cho những chuyến xe xuôi ngược về thu hoạch rừng.
Khác với ông Thanh, ông Huỳnh Kiếm (67 tuổi, thôn Hòa An), bắt đầu kỳ tích của mình không phải dựa vào núi mà từ con tôm sú. Đó là vào năm 1999, ông Kiếm vay mượn được 50 triệu đồng, ủi đất ruộng ven đầm phá gần 1 mẫu để đầu tư nuôi tôm. Với quan niệm thời đó “một con tôm bằng thúng lúa”. Nhưng chỉ vụ đầu tiên trúng khá, các vụ sau đều thất bại do ô nhiễm .
Sau trận bão, mọi công sức, tiền của ông Kiếm đổ vào con tôm đều cuốn theo dòng nước lũ ra biển. Một buổi sáng, ông nhìn đồng tôm tan hoang, chép miệng: “Xuống biển không được thì lên rừng chơ biết mần răng”.
Năm 2000, ông xin địa phương cấp đất rồi bắt tay vào khai hoang, “vỡ đá” những diện tích đất phía sau nhà mình để ươm những mầm cây keo đầu tiên. Thời đó đường đi lại khó khăn, mỗi ngày chỉ gùi được 150-200 cây giống lên núi bới đá tìm đất mà trồng. Không đủ tiền, ông vay mượn thuê nhân công 40 nghìn đồng/công để phát quang trồng rừng. Vùng núi Thủng Cà sau nhiều năm khai hoang đã nên hình hài, ông Kiếm thuê xe múc mở những con đường đầu tiên để đưa gỗ keo tràm về xuôi…
Ông Huỳnh Văn Thanh chăm sóc vườn cây nhà mình. Ảnh: HÀ NGUYÊN
Rừng không phụ
Sau bước đường gian truân, giờ đây, ông Huỳnh Văn Thanh, Huỳnh Kiếm cũng sở hữu trong tay mỗi người từ 10-15 ha rừng keo tràm, mọc bạt ngàn trên núi đá. Những cánh rừng trên núi đã cho gia đình ông sinh kế ổn định, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Giờ đây, trồng rừng không chỉ vì cuộc sống mà còn là niềm đam mê.
"Giờ ngồi nghĩ lại sau chặng đường mấy chục năm “lên với rừng”, tui nghĩ mình chọn đúng"-ông Thanh nói. Khi từ Vinh Hiền qua, một “nách” tui mang 4 người con cùng vợ, cứ ai nghĩ giai đoạn mót củi đổi gạo đó lại nuôi được bầy con. Với 10 ha rừng hiện tại (chưa kể diện tích ông Thanh trồng với các nhóm hộ khác), thu hoạch bán cuốn chiếu quanh năm cũng đủ cái ăn cái mặc, xây nhà cửa khang trang.
Ông Thanh nhẩm tính: “Trước đây trồng keo hạt do đặc điểm vùng núi nên nhiều đá, chất đất khô cằn, rừng 6-7 năm mới đạt kích thước thu hoạch. Bây giờ chuyển qua keo hom (keo ghép cành) sinh trưởng nhanh hơn, chỉ 4-5 năm là cho thu hoạch. Dù chất lượng gỗ cây keo tràm vùng này không bằng các địa phương khác trong huyện Phú Lộc nhưng mỗi ha rừng, tui cũng thu được khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 40 triệu đồng. Thời điểm năm 2014-2015 trồng rừng lãi rất cao. Bình quân mỗi tấn gỗ 1,1 triệu đồng. 1 ha thu được cả 100 triệu, trừ chi phí cũng còn 70-80 triệu đồng”.
Việc trồng rừng, thu hoạch đều đặn, “gối đầu” liên tục đã giúp gia đình ông Thanh không chỉ đảm bảo công ăn việc làm mà còn có thu nhập ổn định. Tận dụng diện tích đất khai hoang rộng rãi, ông còn trồng dặm thêm các loại cây ăn quả trên đồi, quanh vườn nhà và chăn nuôi gia cầm. Bình quân mỗi năm gia đình ông Thanh cũng kiếm được trên dưới 80 triệu đồng.
Ngoài 15 ha keo tràm trên vùng núi Thủng Cà cho thu hoạch đều đặn hàng năm khoảng 50 triệu đồng/ha, gia đình ông Huỳnh Kiếm còn đầu tư trồng thêm 200 cây trầm dó và vài sào tiêu đến nay đã đưa vào khai thác. Cây trầm dó trồng ở Lộc Bình có đặc điểm sinh trưởng chậm hơn, nhưng chất liệu giác trầm rất đạt do sinh trưởng trên vùng đất cằn cỗi.
“Mấy năm qua, tui vô dầu đúng kỹ thuật, khai thác trầm liên tục. Chỉ với 200 cây trầm nhưng sản lượng khá cao do khai thác đúng kỹ thuật, cây phục hồi tốt, không bị chết như những vùng khác”, ông Kiếm nói chắc nịch.
Để có kiến thức, ông lên Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc xin tài liệu về đọc để trồng rừng rồi bắt tay ươm vài vạn cây keo con giống bán cho những hộ dân có nhu cầu trong xã. Lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông Kiếm còn “tăng gia” sản xuất thêm 5 sào ruộng lúa. Cũng nhờ trồng rừng, sống chết với rừng mà ông Kiếm nuôi 6 người con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.
Ông Lê Đức Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình bảo rằng, trồng rừng ở Lộc Bình nói về sản lượng, kinh tế thì không bằng những vùng khác. Và, những người có rừng nhiều nhất cũng chỉ 10-15 ha, không thể gọi là “đại gia” rừng như những nơi khác. Nhưng để có diện tích đất, có thu nhập đều đặn ở một vùng ven biển, đầm phá như Lộc Bình hiện nay là điều mơ ước của nhiều lâm dân.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, ngoài phát triển nuôi trồng trên đầm phá, du lịch biển, vẫn duy trì trồng rừng dù khó tăng thêm diện tích. Bởi, những diện tích rừng hiện nay không chỉ đảm bảo sinh kế cho một bộ phận người dân mà còn là “dấu tích” khai hoang, giãn dân một thời. Trong đó, có công sức của chính quyền địa phương cũng như những cư dân khai canh một thời.
Xã Lộc Bình có diện tích đất tự nhiên 2.740 ha, trong đó rừng kinh tế gần 2.000 ha với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Những năm qua, tuy trồng rừng không phải là mũi nhọn kinh tế của địa phương, nhưng nhờ rừng mà nhiều hộ dân trở nên khá giả, đời sống ổn định. Trên địa bàn xã nhiều hộ dân trồng rừng kinh tế diện tích khá lớn có thể kể đến như ông Huỳnh Văn Chót (20 ha), Huỳnh Văn Thanh (15 ha), Huỳnh Kiếm (10 ha)…
HÀ NGUYÊN