ClockThứ Năm, 12/08/2021 06:45

Lên phương án “3 tại chỗ”

TTH - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN), nhà máy trên địa bàn đang gấp rút chuẩn bị hạ tầng, lên phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) để duy trì sản xuất khi dịch bùng phát.

“3 tại chỗ”Sớm áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất kinh doanh

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Nhà máy may Scavi ở KCN Phong Điền

Gấp rút chuẩn bị hạ tầng

Là DN hàng đầu về sản xuất nội y, quần áo tắm, thể thao và quần áo bảo hộ với 7.500 CBCNV - LĐ, khi lượng công dân từ các vùng dịch trở về quê ngày càng đông, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cao, Công ty Scavi Huế lên kế hoạch, kịch bản sẵn sàng phương án “3 tại chỗ”.

Theo đó, công ty đã khảo sát các địa điểm đảm bảo các tiêu chí để người lao động (NLĐ) “cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc” trong thời gian dài và không tiếp xúc với người ngoài nhằm tránh lây nhiễm bệnh. Với phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, trong đó NLĐ chỉ di chuyển từ nơi lưu trú đến nhà máy sản xuất, không tiếp xúc với người ngoài và các phương tiện công cộng. Hiện, công ty đã sắp xếp được trên 1.500 chỗ ở cho NLĐ lưu trú, bao gồm chung cư Scavi, Trường mầm non Scavi và trưng dụng thêm một số cơ sở trong khuôn viên nhà máy.

Ngoài các cơ sở nội bộ, hiện công ty đã khảo sát, làm việc và ký biên bản ghi nhớ với một số khách sạn, khu resort trên địa bàn huyện Phong Điền và TP. Huế để bố trí chỗ ở cho khoảng 4.000 lao động, sau đó bố trí xe đưa đón đến nhà máy làm việc đảm bảo quy trình “1 cung đường - 2 địa điểm”.

Theo ông Hồ Phan Minh Đức, Giám đốc phụ trách về giá trị & đầu tư Tập đoàn B’Lao (Tập đoàn mẹ của Scavi), để duy trì sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Tập đoàn cố gắng đảm bảo duy trì sản xuất, tạo việc làm và duy trì mối quan hệ dài hạn với khách hàng quốc tế nên công ty đã chủ động cơ sở hạ tầng nội bộ cùng với việc tìm kiếm các cơ sở lưu trú bên ngoài để duy trì từ 70 - 80% công suất làm việc, bao gồm khoảng 6.000 lao động.

Tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế hoạt động ở Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa, trước khi lên phương án “3 tại chỗ” để phòng dịch COVID-19, đơn vị tiến hành khảo sát địa điểm, lấy ý kiến NLĐ và tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các phòng ban. Đồng thời, xây dựng các kịch bản phòng chống dịch cụ thể; qua đó, có 50% CBCNV - LĐ đồng ý ở lại làm việc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, công nhân may thường trú ở xã Phú Đa chia sẻ: “Mặc dù nhà có 2 con nhỏ và vẫn muốn sau khi tan ca về nhà với gia đình, song khi nghe công ty lên phương án “3 tại chỗ” và kêu gọi công nhân hưởng ứng nhằm duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu mình đã đăng ký”.

Theo Chủ tịch Công đoàn công ty - ông Lê Văn Khánh, với năng lực hiện tại, đơn vị không thể thuê các cơ sở lưu trú bên ngoài để bố trí chỗ ở cho NLĐ thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nên DN đã dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp phòng ốc sẵn sàng bố trí nơi ăn ở cho 50% lao động, gồm 600 người.

Thiết lập nhiều khu lưu trú

UBND tỉnh giao Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án “3 tại chỗ” cho các DN hoạt động trong các KCN trên địa bàn đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo lãnh đạo Công ty Scavi Huế, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là chi phí xét nghiệm PCR cho đội ngũ lao động công ty trước khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần cho 6.000 lao động sau đó mới bố trí ở lại làm việc. Ngoài ra, chi phí phòng khách sạn cũng khá cao nên công ty kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ 1 phần chi phí xét nghiệm, BQL Khu Kinh tế công nghiệp hỗ trợ DN trong vấn đề tìm kiếm khu lưu trú, có chính sách giảm giá phòng nhằm giảm áp lực cho DN.

Theo Phó Trưởng phòng Đầu tư, Doanh nghiệp và Lao động BQL Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Hồ Huy Hinh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua Ban đã thông báo đến các DN có nhu cầu tìm kiếm khu lưu trú cho NLĐ thực hiện phương án “3 tại chỗ” để nắm bắt nhu cầu. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch liên kết, tìm kiếm các khách sạn, khu resort có khả năng và đảm bảo các điều kiện về lưu trú, bãi đỗ xe, an ninh trật tự, nhân viên phục vụ đã tiêm vắc- xin…. nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong khu lưu trú. Đến thời điểm này, có khoảng 10 DN có số lao động lớn đang tìm kiếm chỗ ở với số lượng trên 8.000 lao động, như Công ty Scavi Huế, Công ty Bia Huế, Công ty HBI…

Trên cơ sở nhu cầu của DN, hiện BQL Khu kinh tế, công nghiệp và Sở Du lịch đang làm việc với các DN kinh doanh khách sạn, khu resort trên địa bàn tỉnh để nắm số lượng phòng, chính sách hỗ trợ giá phòng cũng như các vấn đề liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN bố trí chỗ ở cho NLĐ; kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm PCR nhằm giảm áp lực cho DN. Sở Công thương cũng lên phương án dự trữ hàng hoá, điều tiết hàng hoá đến các nhà máy, khách sạn khi dịch bùng phát nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm phòng chống dịch COVID-19 cho các DN.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Return to top