ClockThứ Tư, 14/02/2024 06:48

Liên kết & nâng tầm thương hiệu

TTH - Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Phát triển sản phẩm truyền thống & sự đồng hành của chuyên giaNâng tầm thương hiệu quốc giaNâng tầm, lan tỏa thương hiệu Huế - Thành phố FestivalNâng tầm thương hiệu Thành phố FestivalNâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và bán hàng cho sản phẩm truyền thống Huế

 Thêm họa tiết cho túi xách từ chất liệu cỏ bàng

Giữ lửa nghề truyền thống

Làng Phò Trạch, xã Phong Bình (Phong Điền) nổi tiếng với nghề đan đệm bàng có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, chất liệu thô sơ, mẫu mã đơn điệu và chưa có sự liên kết nên sản phẩm chỉ quanh quẩn trong làng, trong xã.

Khởi nghiệp từ lĩnh vực du lịch, cơ duyên đưa chị Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Phong Lan Việt đến với sản phẩm thời trang từ chất liệu cỏ bàng vào năm 2021, khi các tour du lịch tạm đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Khi đến với làng nghề để tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của nghề đệm, nhìn sự chăm chút, cần mẫn của những người thợ, chạm tay lên từng sợi cỏ bàng, tình yêu và niềm đam mê với chất liệu thiên nhiên đã thôi thúc chị “lấn sân” sang sản xuất sản phẩm thời trang từ chất liệu cỏ bàng.

“Với thị trường gần 100 triệu dân cũng như niềm đam mê bất tận về túi xách, mũ, nón… của chị em phụ nữ là động lực để mình đầu tư nghiên cứu khách hàng nhằm tạo ra những mẫu sản phẩm thời trang từ chất liệu cỏ bàng ở một phiên bản đẹp hơn, hiện đại hơn mang thương hiệu Maries”, Giám đốc Công ty TNHH Maries (gọi tắt là Maries), chị Hồ Thị Sương Lan chia sẻ.

Là DN đi sau khi lựa chọn cỏ bàng làm nguyên liệu sản xuất, Maries không đi theo lối mòn “nhập hàng của người dân, xử lý kỹ thuật và thêm thắt họa tiết” rồi đưa ra thị trường. Cách mà Maries xây dựng thương hiệu là tạo sự liên kết giữa DN - làng nghề & người dân thông qua việc xây dựng hệ sinh thái tại chỗ, đào tạo người nông dân về cách chọn lọc và bảo quản nguyên liệu, liên kết với những người thợ lâu năm để sản xuất sản phẩm thô. Từ những sản phẩm thô, DN tiếp tục liên kết với làng nghề chằm nón, họa sĩ để hoàn thiện sản phẩm.

“Để sản phẩm thu hút khách, Maries xác định hội họa là điểm nhấn trong sản phẩm truyền thống khi đưa ra thị trường. Bởi, một sản phẩm thuần đan thì làng nghề nào cũng làm được, nhưng để mang yếu tố đương đại và nghệ thuật vào thì phải có bàn tay tài hoa của nghệ nhân và người họa sĩ”, chị Sương Lan giải thích.

Từ sự liên kết giữa DN với người dân làng đệm, làng nón và các nghệ nhân, 2 năm qua Maries đã cung ứng ra thị trường hơn 50 ngàn sản phẩm; năng lực sản xuất mỗi tháng hơn 2.000 chiếc và tiêu thụ khoảng 1.000 chiếc/tháng, giải quyết việc làm cho gần 60 lao động.

Du khách chụp hình lưu niệm ở làng nghề hương trầm Thủy Xuân 

Liên kết làng nghề với du lịch

Làng nghề trầm hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP. Huế) trước đây vốn chỉ là nơi sản xuất hương trầm cung ứng cho người dân địa phương. Sau khi TP. Huế chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh và khu vực xung quanh, các cơ sở bắt đầu chỉnh trang cửa hàng, đầu tư thêm dịch vụ cho thuê áo dài ngũ thân để du khách chụp ảnh lưu niệm nên thu hút một lượng lớn du khách.

“Việc liên kết giữa làng nghề và du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, thu nhập mà còn tạo nên thương hiệu cho sản phẩm làng nghề. Từ một mặt hàng bình dân, giờ đây sản phẩm hương, trầm, hương quế… đã theo chân du khách có mặt trong và ngoài nước”, chị Nguyễn Thị Bích, người dân làng nghề chia sẻ.

Số lượng khách du lịch đến Huế kết hợp tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu làng nghề và mua sản phẩm lưu niệm ngày càng tăng. Có khá nhiều sự lựa chọn dành cho du khách khi đến tham quan làng nghề, đó là trải nghiệm quy trình sản xuất, cùng thao diễn nghề, mua sắm quà lưu niệm... Từ đó, nhiều cửa hàng bán và tổ chức thao diễn nghề dần mọc lên ở các khu du lịch, tuyến đường trung tâm, tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm làng nghề.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề, thời gian qua UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch tổng thể du lịch làng nghề đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch chung và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển thị trường, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu, từ đó nhiều tour du lịch làng nghề, như: hoa giấy Thanh Tiên, mây tre đan Bao La, gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch… hình thành và thu hút khách.

Đặc sản Huế luôn hấp dẫn du khách 

Xây dựng chuỗi cung ứng

Bên cạnh việc liên kết giữa DN với làng nghề, làng nghề với du lịch, xây dựng chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị sản xuất - tiêu thụ là bài toán đang được nhiều DN, làng nghề triển khai. 

Trong câu chuyện về sự kết nối để đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, bà Hồ Thị Sương Lan cho rằng, sự cộng hưởng giữa các làng nghề không chỉ tạo nên một sản phẩm hoàn hảo, mà còn nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị và tinh hoa của nghệ nhân. Để phát huy thế mạnh làng nghề, cần có sự hợp tác liên kết nhiều làng nghề với nhau để phát triển các tour du lịch nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút khách.

Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu, từ khai thác tài nguyên, nguyên, vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng… Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, mỗi năm chương trình khuyến công đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng trang bị máy móc tiên tiến, thành lập nhà trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm... cho các cơ sở. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

Taekwondo là bộ môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà và được Thừa Thiên Huế chọn làm môn thể thao trọng điểm nhóm 1 tập trung đầu tư trong giai 2021 - 2025. “Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế” là phương châm hoạt động của bộ môn này.

Mở rộng phong trào, nâng tầm vị thế

TIN MỚI

Return to top