ClockChủ Nhật, 09/10/2022 07:36

Lo ô nhiễm môi trường ở các khu chợ

Hiện nay hoạt động mua, bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh luôn nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng... dẫn đến lượng rác, nước thải phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nhiều khu chợ xuống cấp hoặc đầu tư không đồng bộ; nhất là hệ thống tiêu, thoát nước đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tại chợ Vinh Thanh (Phú Vang) ở khu vực bán thực phẩm tươi sống luôn trong tình trạng ẩm ướt. Mùi hôi, tanh nồng bốc lên từ hàng cá, gia cầm khiến cho không khí ngột ngạt. Những rãnh thoát nước xung quanh chợ ứ đọng lâu ngày đen úa, bốc mùi hôi thối.

Anh Lê Văn Búa, tiểu thương bán hàng rau củ quả ở chợ này bày tỏ: "Mùa mưa, nước thải chảy lênh láng, nhưng đỡ hôi hơn. Còn mùa nắng, nước thải bốc mùi rất khó chịu".

Thực trạng trên không những ảnh hưởng đến việc mua, bán tại các chợ, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những gia đình ở xung quanh.

Tại chợ Phò Trạch, An Lỗ (Phong Điền), hay các chợ Phường Đúc, Bến Ngự (TP. Huế)... cũng trong tình cảnh trên bởi do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng đã xuống cấp. Hơn nữa, người dân mua, bán tại các chợ này ý thức chưa cao, còn vứt xả rác bừa bãi, dẫn đến hệ thống cống rãnh bị lấp, gây khó khăn trong tiêu, thoát nước thải.

Ông Nguyễn Hùng, sống cạnh khu vực chợ Bến Ngự (TP. Huế) phản ánh, hiện nay có khá nhiều điểm hoạt động mua bán thực phẩm tươi sống tự phát bên lề đường Phan Đình Phùng, cạnh chợ Bến Ngự. Với mùi tanh cá tôm, thịt và nước thải ra từ các gánh hàng nên xung quanh phát sinh ruồi, nhặng, rất mất vệ sinh.

Đáng nói tại chợ trung tâm Phú Bài (TX. Hương Thủy) dù mới đưa vào sử dụng khoảng 5 năm nay, nhưng hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó hệ thống xử lý nước thải tại chợ này đã bị hư hỏng làm cho môi trường ở đây có nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương và các hộ dân sống xung quanh.

Theo ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, mới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã phối hợp kiểm tra thực tế 20 chợ trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ có 4 chợ có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực bán hàng thủy, hải sản tươi sống.

Đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, nước thải ở các chợ dân sinh chứa nhiều chất hữu cơ dễ phân hủy, thành phần vô cơ, vi sinh vật và vi trùng gây bệnh. Ngoài ra, trong nước thải ở các chợ còn chứa nhiều hóa chất độc hại, các chất thải rắn khó phân hủy như túi nilon, chai nhựa, lọ thủy tinh, hay nước rửa thực phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Những chất thải này nếu không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới mạch nước ngầm, không khí và kèm theo đó là những mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top