ClockThứ Hai, 01/04/2024 10:35

Luật Đất đai 2024 tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp

Luật Đất đai 2024, được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn quản lý và sử dụng đất, trong đó có những tác động tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững…

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đaiCơ hội bứt phá cho mục tiêu mớiBan hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai

Luật Đất đai 2024 tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thu hoạch chè. (Ảnh NGUYỄN TUẤN)

Bảo đảm quyền lợi, thúc đẩy sản xuất

Cùng với các lĩnh vực liên quan khác, trong lĩnh vực nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 tiếp tục hoàn thiện các quyền, nhất là quyền sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Bên cạnh các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp để thuận tiện cho người có nhu cầu đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo quy hoạch, đất đai được quy định kết hợp sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Giám đốc Công ty Luật Đình Vũ (Hà Nội) Vũ Đình Thọ cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương. Luật cũng quy định tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...

Ngoài ra, luật cũng quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có đất của doanh nghiệp nhà nước thoái vốn. Đồng thời bổ sung các quy định về tập trung, tích tụ đất, tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực.

Thông qua đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận lợi hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống; bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Nhằm hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sau khi chuyển nhượng, Luật quy định tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Đánh giá cao về những tác động tích cực của Luật Đất đai 2024 đối với lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho rằng, những vướng mắc về đất của nông, lâm trường nhiều năm gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đã được Luật tháo gỡ. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhiều năm qua.

Những vướng mắc về đất của nông, lâm trường nhiều năm gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng đã được Luật tháo gỡ. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhiều năm qua.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận

Trong đó, Nhà nước thu hồi diện tích sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp. Đất thu hồi sẽ được giao, cho thuê để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cá nhân tại địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Về thẩm quyền, trước đây chưa quy định cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã tạo điều kiện cho tỉnh chủ động quyết định chủ trương đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội được kịp thời, rút ngắn thời gian, cũng như áp lực giải ngân vốn đầu tư công.

Riêng đối với ngành lâm nghiệp, một ngành kinh tế quan trọng với hơn 14,8 triệu héc-ta rừng, che phủ 42,02% toàn quốc, giá trị xuất khẩu bình quân hằng năm đạt 15 tỷ USD, thì những thay đổi của Luật Đất đai 2024 mang đến nhiều kỳ vọng mới để phát triển bền vững. PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) cho rằng, hiện ngành lâm nghiệp đã tạo việc làm trực tiếp cho hơn 5 triệu lao động, nhưng đến nay, việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ba loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ; chất lượng các đơn vị lập, điều chỉnh quy hoạch còn thấp.

Cơ cấu quản lý sử dụng rừng và đất rừng chưa hợp lý. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý, diện tích giao cho hộ gia đình, tổ chức và cá nhân còn ít. Công tác giao rừng, thuê rừng chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp; phần lớn các hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất lâm nghiệp lâu dài, ổn định… Đây là những hạn chế mà Luật Đất đai 2024 đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục, nhằm hạn chế những thiệt hại cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đang tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, Luật Đất đai 2024 đã thống nhất về đối tượng, hình thức giao, cho thuê đất lâm nghiệp với giao rừng, cho thuê rừng. Qua đó, khắc phục được những bất cập, chưa thống nhất giữa Luật Đất Đai năm 2013 và Luật Lâm nghiệp năm 2017, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc thực hiện giao, cho thuê đất rừng và giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cá nhân trong thời gian tới, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đồng thời bổ sung quy định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Việc bổ sung quy định nêu trên nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, người làm nghề rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Như vậy, đánh giá chung, Luật Đất đai 2024 đã có những tác động rất tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, theo đó quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định, bền vững phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và hợp tác toàn diện hiện nay.

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đất đai đã có tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế, nâng cao đời sống nông dân nhất là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật đất đai với hệ thống pháp luật, giảm rủi ro và phức tạp pháp lý đối với các hoạt động nông nghiệp, cần thiết phải hệ thống hóa, sửa đổi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp, đồng bộ với Luật Đất đai 2024.

Nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, TS Hà Công Tuấn cho rằng, Luật đã thể chế hóa nhu cầu thực tiễn phải đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch sử dụng đất bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ; nội dung quy định quy hoạch sử dụng đất đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực (gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đối với đất rừng và đất lúa); quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng từng loại đất…

Tuy rằng, thực tiễn hiện nay quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, quy hoạch thiếu ổn định. Do đó, để Luật Đất đai 2024 phát huy hiệu quả, các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp cần sớm hoàn thiện quy hoạch, trong đó có quy hoạch lâm nghiệp bảo đảm tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất theo ba cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; phân bổ hợp lý quỹ đất cho phù hợp với yêu cầu sử dụng đất và quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể có nhu cầu sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp; bổ sung đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; cần xây dựng chính sách cho doanh nghiệp thuê rừng, cho thuê môi trường rừng đặc dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh rừng và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; khuyến khích tích tụ, tập trung đất để phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp tập trung quy mô lớn; sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa...

Các ngành liên quan cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách về việc thu hồi đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Đất đai. Việc thu hồi đất phải hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư và được tiến hành một cách minh bạch và công khai. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất lâm nghiệp bị thu hồi được bồi thường phải bảo đảm cuộc sống, sinh kế tốt hơn, nhất là đối tượng chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách xã hội.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn để phát triển trồng rừng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng. Điều 248 Luật Đất đai 2024 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.

Hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn để phát triển trồng rừng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rừng. Điều 248 Luật Đất đai 2024 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các thành viên hội, hiệp hội tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách, nhất là yêu cầu phù hợp với thực tiễn. Để đáp ứng được các mục tiêu của năm 2024 với ngành lâm nghiệp, đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động, linh hoạt trong sản xuất, phù hợp với tình hình chung; tăng cường liên doanh, liên kết, khai thác nguồn lực đất đai để xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp, mở rộng quy mô để tăng sức cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đặt ra.

Nhằm bảo đảm minh bạch thị trường đất đai nói chung và trong lĩnh vực đất nông nghiệp nói riêng, các địa phương, các ngành theo thẩm quyền, cần xây dựng bảng giá đất khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực; thực hiện định giá đất tại thời điểm Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thu hồi đất, tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai, quản lý nông nghiệp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.

Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin đất đai đồng bộ, thống nhất, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tư vấn về thủ tục pháp lý, kinh phí đối với giao dịch chuyển nhượng, cho thuê đất nông nghiệp giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin đất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương rà soát quy định hiện hành, trình Chính phủ ban hành tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; tham mưu trình Chính phủ ban hành các quy định chi tiết để Luật Đất đai 2024 phát huy hiệu quả cao khi đi vào thực tiễn đời sống xã hội…

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Return to top