ClockThứ Ba, 26/10/2021 06:30

“Mở rào” cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc

TTH - Để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận với chương trình vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

3 doanh nghiệp tiếp cận gói vay lãi suất 0%Chưa chạm “điểm nghẽn” của doanh nghiệpGói vay vốn trả lương: Nới lỏng vẫn khó tiếp cận

Chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc đang được nới lỏng (Ảnh minh họa)

Vướng mắc từ nội tại của doanh nghiệp

Trước khó khăn của doanh nghiệp mang tên “khủng hoảng” COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó; trong đó có chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất. Không thể phủ nhận được tính tích cực từ chính sách này.

Tuy nhiên, trên địa bàn, sau gần 3 tháng triển khai chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, số doanh nghiệp được tiếp cận vẫn chỉ được tính trên đầu ngón tay. Nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với chính sách này.

Khu du lịch Lapochine vẫn đón khách (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh, ngân hàng đã chủ động phối hợp và trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để rà soát nhu cầu vay vốn. Trong số 1.100 doanh nghiệp được rà soát thì có 684 doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn, trong đó có 65 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trả lương với số tiền 5.334 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 doanh nghiệp được vay trả lương cho 306 lao động với số tiền 1.023 triệu đồng. Ngân hàng cũng đang tiếp tục cho vay vốn lần 3 để trả lương tháng 9/2021 đối với 3 doanh nghiệp là Công ty CP Á Đông, Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái VEDANA và Công ty TNHH Taxi Lăng Cô với số tiền 276 triệu đồng trả lương cho 111 lao động.

Theo ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh, chương trình này không có nhiều doanh nghiệp vay vốn là bởi không đáp ứng được điều kiện về quyết toán thuế, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Nhiều doanh nghiệp không tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động hay nợ bảo hiểm nên không đảm bảo tiêu chí cho vay. Ngoài ra, hiện có một số chi nhánh trực thuộc tổng công ty đang có nhu cầu vay vốn, nhưng vẫn đang phải chờ văn bản ủy quyền từ tổng công ty nên chưa hoàn thiện hồ sơ.

Nới lỏng điều kiện vay

Trước những khó khăn này, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 với các điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc được nới lỏng hơn. Với chính sách cho vay trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Với cho vay trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động.

Với chương trình cho vay này, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia BHXH bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng và thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Như vậy, quy định mới này đã bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Dù đã nới lỏng nhiều điều kiện được cho là rào cản trong chương trình này, song một số doanh nghiệp vẫn cho rằng cần có chính sách tín dụng mạnh mẽ hơn phục vụ cho việc đầu tư, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch.

“Ngân hàng sẽ tập trung tuyên truyền về chính sách và những điều kiện đã được nới lỏng, đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát nhu cầu vay của các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên để có thêm nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với chương trình”, ông Văn Đức Thọ chia sẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top