ClockThứ Tư, 08/05/2024 11:29

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế

TTH - Việc áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp tháo gỡ.

Tạo tác động tích cực để phát triển doanh nghiệp bền vững

 Nghị quyết 43 góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

Khôi phục & phát triển

Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) với mục tiêu chính là phục hồi, phát triển nhanh hoạt được sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân.

Quá trình thực hiện nghị quyết này cho thấy, kinh tế, xã hội của tỉnh đã dần bước vào quỹ đạo phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của địa phương được khôi phục và phát triển; hoạt động du lịch phục hồi tích cực và rõ nét; an sinh xã hội, đời sống người dân được đảm bảo.

Đi vào các chính sách cụ thể, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Văn Khoa cho biết, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng đã giúp giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống.

Liên quan đến các chính sách phát triển, theo UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43, tổng mức đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh được Chính phủ giao là 459 tỷ đồng (trong đó 411 tỷ đồng là ngân sách trung ương đảm bảo). Ngay sau khi nhận quyết định phân bổ, tỉnh đã giao kế hoạch vốn để thực hiện 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Công tác giải ngân vốn được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan.

Bên cạnh các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh đã chủ động xây dựng một số cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và nguồn lực của địa phương nhằm hỗ trợ, khuyến khích đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, đã hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho hơn 500 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí kế toán cho 36 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với tổng kinh phí 170 triệu đồng; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cho hơn 1.000 lượt người tham gia các khóa đào tạo theo chuyên đề; tổ chức 6 khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề về thương mại điện tử với sự tham gia của gần 300 lượt doanh nghiệp...

Người dân tiếp cận vốn giải quyết việc làm 

Thực tiễn còn nhiều khó khăn

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 43, tại đợt giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, nhiều hạn chế cũng đã được chỉ rõ.

Đáng chú ý là hiện nay, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 2% còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP gặp khó khăn như, đối với chương trình hỗ trợ nhà ở, người dân khó tiếp cận đất đai để làm nhà do có thời gian giá bất động sản trên địa bàn tăng trưởng nóng.

Về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, kết quả đạt thấp so với nhu cầu thực tế của người lao động trên địa bàn. Việc cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua (gói 120.000 tỷ đồng) chưa thực hiện được. Các thủ tục hành chính khi thực hiện khoản vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP còn phức tạp, dẫn đến gây nhiều khó khăn cho công tác giải ngân.

Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu, kết quả giám sát cho thấy trong tổng số 5 dự án chỉ mới có 2 dự án có tiến độ giải ngân nhanh (trên 75%), các dự án còn lại có tiến độ giải ngân chưa đảm bảo; có dự án tiến độ thực hiện chỉ mới hoàn tất công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, ký kết hợp đồng để triển khai thi công.

Đánh giá về nguyên nhân, các cơ quan chức năng cho rằng, công tác xác định mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất khó thực hiện do các ngành nghề đa dạng; nhiều hộ có nhu cầu nhưng không có đăng ký kinh doanh; một số khách hàng ngại bị thanh tra, kiểm tra về sau… Các ngân hàng thương mại và khách hàng gặp khó khăn trong đánh giá liên quan đến quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Về mặt khách quan, chính sách thay đổi kéo theo một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh phải thực hiện lại công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục có liên quan. Một số dự án được giao vốn trong thời điểm địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai ảnh hưởng đến công tác triển khai.

Trước thực tế đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ. Điển hình như việc, đề nghị Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết 43; tiếp tục cho giảm thuế 2% đến hết năm 2024. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách mới phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu,…

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cái lợi của môn giáo dục kinh tế và pháp luật

Với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngoài các môn học bắt buộc, các em học sinh THPT còn được lựa chọn 4 môn học từ các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý hoặc giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc.

Cái lợi của môn giáo dục kinh tế và pháp luật
Tạo điều kiện, nguồn lực tối đa để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo "Tham vấn cơ chế, chính sách thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo" do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tổ chức sáng 12/9 tại TP. Huế. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo - Techfest vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung năm 2024.

Tạo điều kiện, nguồn lực tối đa để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

TIN MỚI

Return to top