Đường vào làng Minh Hương
1. Đứng ở Quốc lộ 49B, nhìn về phía cổng làng Minh Hương một màu xanh ngắt. Làng tựa lưng vào cánh đồng lúa, hướng mặt ra mênh mông đầm phá. Tôi biết vùng đất này bởi ở đây một thời nổi tiếng với danh xưng “chợ Đò”.
Trước khi “khám phá” làng Minh Hương, kiến thức của tôi chỉ ngang đó. Có chăng thêm những lần rong ruổi trên bến lúc chiều tà đợi đò ngư dân vùng này sau buổi đổ nò, bắt lừ. “Chợ Đò” bây giờ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng cái tên ấy tôi đồ rằng không ít người ở vùng đất Ngũ Điền vẫn còn in sâu trong ký ức.
Và nếu làng Minh Hương chỉ là “chợ Đò” thì ít chuyện để nói quá!
Trở lại Minh Hương, tôi được dân làng chỉ tay về phía nhà cụ Lê Văn Châu (88 tuổi) để được rõ ngọn nguồn câu chuyện. Tuổi đã cao nhưng sức vóc cụ vẫn còn “ngon”, giọng cụ to, rõ. Trò chuyện, cụ Châu cười thành tiếng lớn: “Ngay cái tên chợ Đò là chú biết rồi đó, trước kia sầm uất, tấp nập lắm. Ở đây là nơi giao thương, buôn bán trăm vạn thứ nghề. Như là trạm trung chuyển hàng hóa từ vùng này lên phía thành thị và ngược lại”.
Một góc làng Minh Hương
Khoan hãy nói chuyện giao thương, cụ khoe độ giàu có trước đây của vùng đất này bằng chuyện… mua vợ, mua dâu. Với thời nay, lời cụ kể quả hơi khó tin: Sau những lần đong lúa, đổ rào, trai làng Minh Hương chẳng cần ngỏ ý mà con gái khắp miệt biển lân cận... tự động được xin đến làm vợ. “Trước đây, dân nơi đây nổi tiếng giàu có. Nhiều gia đình ở vùng biển Phường Nạng, Đông Thôn (nay thôn Hải Đông, xã Phong Hải – PV) gửi gắm con gái đến phụ giúp buôn bán, rồi mai mối, cậy nhờ được làm dâu xứ này. Đổi lại chỉ đong cho họ vài tạ lúa hay mấy cân cá lúc đổ rào. Vùng này lúc mới lập ấp dân cư rất ít, có người về làm dâu sinh con đàn cháu đống, rồi lập luôn cả một dòng họ”, cụ Châu khoe.
Từ khi khai canh lập ấp, dân ở đây không phải vô cớ giàu có, như để chắc chắn lời nói của mình, về cái gọi là sầm uất của xứ chợ Đò, cụ Châu dẫn thông tin của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh ra để chứng minh. Đại khái thông tin từ nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thế này: Nói về làng Minh Hương trước hết phải giới thiệu về phá Tam Giang, chiếc nôi hình thành nên một làng buôn bán phía Đông bờ phá, trên rẻo cồn phía Nam làng Thế Chí Đông vào thế kỷ XIX. Phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu ở phía Tây đến cửa Thuận An ở phía Đông. Ở phía Đông Ô Lâu nối liền với Quảng Trị qua dòng sông Vĩnh Định, tạo thành con sông liên thông nối liền Trị Thiên, dòng thủy đạo này với hệ thống sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Hương, sông Vĩnh Định liên thông với Thạch Hãn, sông Hiếu (Quảng Trị) đã được một nhóm cư dân tiên phong vào nửa đầu thế kỷ XIX lựa chọn làm con đường buôn bán mưu sinh và lập nghiệp, hình thành một làng buôn bán tranh tre, say sáo, gỗ củi và hàng loạt thổ sản khác ven đầm phá.
Rẻo cồn trong thông tin của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh bây giờ là vùng đất của dân Minh Hương đang sống. Tuy nhiên lịch sử của làng Minh Hương phần lớn gắn liền với vị quan lớn Trần Tiễn Thành, người được xem là hậu khai khẩn làng Minh Hương.
Trần Tiễn Thành sinh năm 1813 tại làng Minh Hương (xã Hương Vinh, TX. Hương Trà), trong một gia đình người Việt gốc Hoa đã định cư tại phố Thanh Hà hơn 200 năm. Cha làm quan tại Gia Định và mất sớm. Năm 25 tuổi ông đỗ cử nhân, 26 tuổi đỗ tiến sĩ khoa thi Mậu Tuất 1838 được bổ làm Hàn lâm viện biên tu. Qua nhiều chức vụ, năm 1861, ông được thăng làm Thượng thư Bộ Công kiêm Đốc phòng cửa biển Thuận An.
Người dân làng Minh Hương trở về sau chuyến đánh bắt
Tương truyền lúc nhận chức, ông đã đi thuyền xem xét việc phòng thủ và đi qua cộng đồng làng Minh Hương (xã Điền Hải) lúc bấy giờ. “Trước khi ông Trần Tiễn Thành đến vùng đất này vẫn chưa được thừa nhận như một phường ấp, nhiều lần hương chức Thế Chí Đông kéo đinh tráng đến để đập phá, miệt thị, cho rằng tổ tiên của tui ở “độ” trên vùng đất của họ. Đại diện dân cư đầu đơn đến quan nhưng không được giải quyết, tình trạng ấy kéo dài đến cả nửa thế kỷ. Sau khi được người dân trình bày nguyện vọng, ông giúp dân đăng ký lập ấp với tên gọi ấp Minh Hương lệ thuộc vào Minh Hương xã (nay thuộc xã Hương Vinh, TX. Hương Trà). Và cái tên gọi làng Minh Hương ra đời từ đó”, cụ Châu nói.
2. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, sau khi lập ấp Minh Hương, mốc giới được xác định nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của hương chức làng Thế Chí Đông. Mãi sau nhiều biến cố của lịch sử mốc giới được tái lập, dân làng nơi đây mới được yên ổn mưu sinh.
Bằng đường thủy, đò của dân làng chèo chống đến những vùng chợ huyện Vĩnh Linh, chợ Đông Hà (Quảng Trị)… Thổ sản của núi rừng Vĩnh Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy… được người dân chuyên chở về cung ứng cho các làng quê dọc phá Tam Giang. Nhờ có chiếc đò, tài buôn bán, người dân Minh Hương đã đóng góp lớn vào mạng lưới thương nghiệp, góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Minh Hương bây giờ đã đổi khác, thanh bình với đồng lúa xanh ngắt, những con đường bê tông mới cứng và cả những ngôi nhà khang trang, người dân đã có cuộc sống mới. Dẫu “chợ Đò” đã là ký ức nhưng nhiều hộ dân vẫn ngày ngày ngược xuôi theo con nước đánh bắt cá tôm cung ứng cho người dân tại địa phương. Dấu ấn nghề xưa còn đó, bằng chứng vẫn có người gắn nghiệp mình với đời thương hồ buôn lồ ô, họ theo phá Tam Giang, ngược nguồn sông Ô Lâu đưa những cây lồ ô, nguyên liệu chính để làm nò sáo về bán cho cư dân ven phá.
Tài buôn bán của dân làng Minh Hương vẫn cứ ăn sâu qua từng lớp người. Đến ngôi làng này, hỏi người dân sống nhờ vào nghề gì làm giàu, ngay lập tức sẽ nhận được câu trả lời là kinh doanh, buôn bán. Nhiều người phất lên từ kinh doanh, như bà Trần Thị Bé, được xem như “bà đỡ” của những người nuôi tôm vùng Ngũ Điền.
Không giống những ngôi làng có tên Minh Hương khác, gốc gác của người dân Minh Hương tại xã Điền Hải đến từ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Nghĩa Lộ, Hà Lạc, Bác Vọng Đông, Thủ Lễ, Hà Trừ… “Nếu như trước đây, cả làng chỉ có 3 nhà thờ họ, bây giờ, nhiều tôn phái được xây dựng khang trang. Người dân có cuộc sống no đủ. Lúc trước, tui có 8 đứa con đều được học hành tử tế, thế hệ sau này sinh đẻ có kế hoạch nên đa số con em cũng được học hành đến đại học, cao đẳng. Nhiều người vượt làng lên phố làm giàu, mua ô tô. Người dân địa phương ngoài làm ngư nghiệp còn kinh doanh, buôn bán. Người ở quê cùng chính quyền hướng đến xây dựng nông thôn mới”, ông Hoàng Sửu, Trưởng làng Minh Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Công, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết: “Làng Minh Hương hay còn gọi là thôn 7 hiện có khoảng hơn 100 hộ dân, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần. Người dân ở đây nổi tiếng với tài buôn bán nên nhiều người trở nên giàu có”
Về Minh Hương không chỉ để nghe lịch sử làng quê này hay chuyện làm giàu của người dân ở vùng “thương cảng” một thời mà còn có dịp về với Hội làng Minh Hương nổi tiếng vào rằm tháng 7 hàng năm. “Mỗi năm làng có 4 lễ tế, đó là vào dịp rằm tháng giêng, rằm tháng ba, rằm tháng bảy và ngày 21/11 âm lịch - ngày giỗ ông Trần Tiễn Thành, người có công lập làng Minh Hương hôm nay”, ông Hoàng Sửu thông tin.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN