ClockChủ Nhật, 01/07/2018 07:00

Đập Cửa Lác - “gánh vác” nhiều trọng trách

TTH - Có được con đê vắt ngang phá Tam Giang dài hàng cây số để bảo vệ mùa màng là một “kỳ tích” đối với người dân vùng ven phá thuộc huyện Quảng Điền và vùng Ngũ Điền (Phong Điền).

Đập Cửa Lác xuống cấp: Nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng

Thân đập Cửa Lác vừa nâng cấp

Gần 700 ngày đắp đập

Trong ký ức của lão nông Trần Văn Thoại ở xã Quảng Thái (Quảng Điền), vùng Cửa Lác cách đây hơn 40 năm về trước toàn cây lác mọc um tùm giữa một khúc sông. Đây là nơi giao thoa giữa hai nguồn nước ngọt, lợ đổ về từ dòng sông Ô Lâu và sông Hương, sông Bồ tạo nên một “ngôi nhà chung” quần tụ nhiều loài thủy sản phong phú, đa dạng sinh học với nhiều loài có giá trị kinh tế. Nơi đây còn là “bãi đáp” lý tưởng đối với nhiều loài chim di trú quý hiếm, trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Trong những năm tháng chiến tranh, khi chưa có đập Cửa Lác, vùng cửa sông Ô Lâu bị nhiễm mặn không thể trồng lúa, người dân ven phá Tam Giang tận dụng nguồn lợi thủy sản làm nghề câu cá, nơm, nò sáo, chài lưới, bắt trìa để mưu sinh. Chiến tranh đi qua, ruộng đồng lại “về tay” Nhân dân, niềm vui khôn xiết nhưng ngặt nỗi nguồn nước bị nhiễm mặn không thể trồng lúa, hoa màu. Không có con đường nào khác ngoài một con đê ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) phục vụ gieo trồng, nuôi thủy sản với người dân lúc này là điều tất yếu.

Trong khi chính quyền và người dân địa phương trăn trở, loay hoay chưa nghĩ ra giải pháp xây dựng tuyến đê đập NMGN cho vùng cửa sông Ô Lâu thì bất ngờ “xuất hiện” một chiến binh trở về sau khi tham gia nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, trong đó có trận đánh Điện Biên Phủ, đó là ông Đoàn Văn Diệm ở xã Quảng Lợi. Trên mình mang đầy thương tích, vết sẹo chiến tranh nhưng con người ông vẫn toát lên sự tự tin, bản lĩnh đúng với phẩm chất người lính Cụ Hồ. Đây cũng chính là cơ sở để Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm, bầu ông Diệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi.

Vừa nhậm chức, việc đầu tiên mà ông Diệm ưu tiên bắt tay làm ngay, đó là huy động lực lượng thanh niên, đoàn thể và Nhân dân ra sức xây dựng một tuyến đập NMGN vắt ngang phá Tam Giang nối từ xã Quảng Thái đến xã Điền Hòa. Công việc không hề đơn giản nhưng bắt buộc phải làm cho bằng được. Ông Diệm huy động lực lượng địa phương phối hợp với các xã ven phá vùng Ngũ Điền ra quân tuyên truyền, vận động Nhân dân, ai có tre góp tre, có cuốc, xẻng và vật dụng cần thiết đều huy động phục vụ cho “chiến dịch” đắp đập.

Cửa cống khá hiện đại

“Hàng ngàn người từ tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đến người lớn tuổi ngày đêm cần mẫn chặt tre, vót cọc, gia cố bờ, múc từng bao tải đất bùn vun đắp đập Cửa Lác. “Kiến tha lâu đầy tổ”- gần một năm ròng rã, hình hài tuyến đập cũng bắt đầu lộ diện. Trong khi người dân có thể vỡ òa niềm vui, thở phào nhẹ nhõm thì một trận lũ lớn đã cuốn phăng tuyến đập mà người dân đã tốn bao công sức, ngày đêm vun đắp. Hai bên thân đập chỉ còn sót lại dãy cọc tre trơ trọi giữa dòng nước mênh mông. Công việc đắp đập lúc này gần như làm lại từ đầu”, ông Diệm xót xa.

Cứ thế, thêm một năm ròng rã gian nan, be bờ đắp đập, tuyến đập Cửa Lác được đắp bằng đất bùn dài hơn hai cây số cũng hoàn thành vào năm 1978. Phía hạ lưu đập được đóng cọc tre và trồng cây lác chắn sóng. Tuyến đê tuy tạm bợ nhưng là một “kỳ tích”, mở ra cơ hội mới cho người dân vùng ven phá hai huyện Quảng Điền, Phong Điền. Chưa đầy vài tháng sau khi tuyến đê hoàn thành, hầu hết đồng ruộng tại các địa phương ven phá, vùng cửa sông Ô Lâu phủ một màu xanh của cây lúa, nương khoai. Năng suất, sản lượng lúa, hoa màu thời gian đầu tuy vẫn còn thấp nhưng đã giải quyết được tình trạng thiếu đói, thiếu lương thực trong những năm tháng sau giải phóng.

“Nâng đời” cho đập

Trải qua hơn hai mươi năm phục vụ sản xuất, đập Cửa Lác hứng chịu bao biến cố của thiên tai. Thân đập và hệ thống cọc tre gia cố bị xuống cấp, hư hỏng cộng với những trận lũ lớn càng làm cho đập Cửa Lác vô cùng mong manh. Sau những trận lũ, các địa phương, người dân lại tốn bao công sức, tiền của để khắc phục, sửa chữa các điểm bị sạt lở, hư hỏng. Các mùa vụ hằng năm luôn đối diện với sự cố rò rỉ, xâm nhập mặn vào đồng ruộng do thân đập bằng đất bùn rất yếu, lại xuống cấp. Một số năm, mặn xâm nhập đến khu vực Vân Trình, xã Phong Bình. Tại đây các địa phương phải đắp thêm một đập nữa để phục vụ NMGN cho sản xuất và dân sinh. Có những lúc đập Cửa Lác tưởng chừng bị “xóa sổ” bởi người dân không đủ sức, kinh phí để duy tu, sửa chữa sau những trận bão lũ gây hư hỏng nặng.

Ông Văn Trí, Trạm trưởng Trạm NMGN Cửa Lác, thuộc Công ty TNHH NNMTV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi tỉnh) cho biết, mãi đến năm 2000, được sự hỗ trợ kinh phí từ một dự án của Nhật Bản, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây dựng kiên cố đập Cửa Lác, hoàn thành vào năm 2001 và giao cho Công ty Thủy lợi tỉnh quản lý, khai thác.

Đập Cửa Lác được kiên cố bằng bê tông với hơn 70 cửa cống NMGN khá hiện đại mở ra cơ hội mới cho các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất. Đập có vai trò NMGN cho hệ thống thượng lưu Cửa Lác đến Lai Hà, xã Quảng Thái; cấp nước sản xuất lúa cho vùng Ngũ Điền và các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền), Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền) với diện tích 5.255 ha/năm. Trước đây các vùng phía thượng lưu đập chỉ gieo cấy một vụ lúa, từ năm 2001 đến nay trồng được hai vụ.

Nhiệm vụ khác mà đập Cửa Lác còn phải “gánh vác” là đóng kín tất cả các cửa cống ngăn chặn triều cường tránh gây ngập lụt và mở cửa thoát lũ cho đồng ruộng. Từ khi chấm dứt triệt để tình trạng xâm nhập mặn, phong trào nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu phát triển rất mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Một nhiệm vụ “thứ yếu” song không kém phần quan trọng của đập Cửa Lác là dưới cống NMGN, trên mặt đập được bê tông phẳng lì, rộng 3-4m phục vụ giao thông, đi lại cho các địa phương ven phá Tam Giang.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh thông tin, hằng năm, công ty đều đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục công trình, đảm bảo phát huy tác dụng. Một số năm như (2012, 2016, 2017) công ty đầu tư hàng tỷ đồng khắc phục sự cố lún sụt do mưa lũ và nâng cấp hệ thống cửa cống. Năm 2018, công ty đầu tư 1,5-2 tỷ đồng thảm bê tông, nâng mặt đường nhằm đảm bảo kỹ thuật, quy trình NMGN và phục vụ đi lại cho người dân.

Bài, ảnh: Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn
Xã Phong An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Sáng 15/10, xã Phong An (Phong Điền) tổ chức lễ công bố và đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Dự buổi lễ có các đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh và lãnh đạo huyện Phong Điền, cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân địa phương.

Xã Phong An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Đưa sách về với học sinh nông thôn

Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai về các trường học. Không chỉ các trường học trên địa bàn thành phố, mà ngay cả những trường ở nông thôn Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các hoạt động về văn hóa đọc, tiêu biểu trong đó là Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh (Hương An, Hương Trà).

Đưa sách về với học sinh nông thôn
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Return to top