ClockThứ Năm, 25/12/2014 13:15

Năng suất, chất lượng đều tăng

TTH - Mô hình sản xuất lúa theo phương thức liên kết “bốn nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp) ở Phong Điền đã đem lại thành công. Nhiều cánh đồng mẫu lớn đưa vào thử nghiệm trên các cánh đồng lúa cho thấy, không chỉ cho năng suất, chất lượng mà mô hình đã tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận phương thức, kinh nghiệm sản xuất mới…

Lãi gần 9 triệu đồng/ha

Kinh nghiệm được người trồng lúa ở Phong Điền đúc rút: Ngoài nguồn giống, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhà khoa học. Đó là lý do để người trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Phong Điền gặt hái được những mùa vụ bội thu.
Cánh đồng mẫu lớn đã cho người trồng lúa ở Phong Điền những mùa vụ bội thu
Kết quả được khẳng định khi liên tiếp nhiều vụ lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao hơn cách trồng lúa thông thường. Đơn cử, mô hình được triển khai tại HTX Vĩnh An, xã Phong Bình trên diện tích 26 ha, với 105 hộ tham gia. Nhờ làm tốt các khâu hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quy trình sản xuất theo nguyên tắc 4 đúng, nên hạn chế gây hại của sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Năng suất bình quân ở vụ đông xuân là 75 tạ/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mô hình đem lại cho hộ sản xuất mức lãi gần 9 triệu đồng/ha.
Ở xã Điền Hải, từ khi có chủ trương sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng hàng chục km kênh mương, giao thông nội đồng, đưa cơ giới vào sản xuất. Do vậy, năng suất và chất lượng lúa không ngừng tăng lên, nhờ đưa các giống mới vào sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Vai trò của các HTX nông nghiệp cũng hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện cách đồng mẫu lớn. HTX có đầy đủ trang thiết bị, máy móc cơ giới, đáp ứng gần 100% khâu cày đất, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho người trồng lúa chính là yếu tố mang đến thành công. Ông Nguyễn Xuân Long, xã viên HTX Nông nghiệp Điền Hải cho biết: "Khi chưa tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, bà con thường phải lo đầu ra cho sản phẩm. Nay với mô hình này, lại được tham gia sản xuất tập trung, quyền lợi của người nông dân được đảm bảo, giá sản phẩm luôn ổn định, không sợ tư thương ép giá vì đã có HTX đứng ra “bảo lãnh”.
Phương thức, kinh nghiệm sản xuất mới
Phong Điền hiện có 8/10 xã quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Đó là các xã chuyên canh về cây lúa của huyện như: Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và các xã vùng Ngũ Điền, với diện tích sản xuất ổn định là 3.000 ha/năm.
“Thành công lớn nhất mà mô hình đưa đến chính là làm chuyển biến nhận thức của người dân. Họ không chỉ tích cực tham gia sản xuất, mà còn mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quan trọng hơn, là nâng cao vai trò hoạt động kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp. Mô hình là động lực giúp nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, quy hoạch thiết kế lại đồng ruộng… làm nền tảng cho sản xuất lúa theo hướng an toàn và xây dựng thương hiệu lúa gạo của địa phương”, ông Trần Lợi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền nói.
Kinh nghiệm và bài học được chính quyền địa phương, ngành chức năng và người trồng lúa ở Phong Điền đúc rút trong quá trình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn chính là cần quán triệt các tiêu chí, mục tiêu cơ bản cho các đối tượng tham gia thực hiện. Hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhằm tăng tính đồng bộ và độ đồng đều trên đồng ruộng. Tiếp đến là chọn vùng, chọn hộ có quy mô sản xuất đủ lớn để sản phẩm tạo ra có tính hàng hóa cao. Đối với những nông dân không có điều kiện, cần vận động hoán đổi để tích tụ ruộng đất, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện mô hình. Ngoài ra, nên chọn những HTX mạnh, ban quản lý có năng lực, nhiệt tình, chủ động trong khâu thủy lợi để phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn cả là có sự kết hợp hài hòa giữa “bốn nhà” trong quá trình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu. Trong đó phải có sự kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để chủ động đầu ra cho sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở các địa phương, gắn với quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng... là nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, được UBND huyện Phong Điền đặt ra Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngoài nguồn giống chất lượng cao, huyện tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX... và cá nhân thu mua nông sản trên địa bàn. Củng cố quan hệ sản xuất nông nghiệp, cụ thể là nâng vai trò hoạt động của các HTX sản xuất nông nghiệp. Mô hình cánh đồng mẫu không chỉ cho năng suất, chất lượng lúa gạo mà đã đưa lại cho người nông dân phương thức, kinh nghiệm sản xuất mới…”.
Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Return to top