ClockThứ Tư, 29/08/2018 06:00

Nâng thương hiệu thanh trà

TTH - Là thủ phủ của thanh trà Huế, thanh trà Thủy Biều được xem là trái cây đặc sản được người dân và du khách ưa chuộng. Để nâng tầm thương hiệu, UBND TP. Huế tổ chức lễ hội thanh trà đúng vào mùa thu hoạch, tạo không gian quảng bá để thu hút người dân, du khách.

Thanh trà thương phẩmSẽ thực hiện nghi lễ cung tiến thanh trà tại lễ hội thanh trà lần thứ VI

Du khách tham quan gian hàng giới thiệu đặc sản thanh trà tại lễ hội thanh trà năm 2016

Qua nhiều năm canh tác trồng hoa loa kèn, sau cơn lũ lịch sử năm 1999, gia đình ông Hồ Hữu Chung, trú tại tổ 4, phường Thủy Biều đầu tư vốn chuyển sang trồng thanh trà và bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2015. Với diện tích 1.500m2, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng.

Ông Chung cho biết, thanh trà dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng hoa và các loại cây ăn trái khác. Nhờ đất đai màu mỡ, được bồi lấp phù sa của sông Hương nên thanh trà ở đây ngọt nước, có vị thơm khác biệt so với nơi khác nên bán được giá, từ 40-50 ngàn đồng/kg. Hiện, trong khuôn viên vườn vẫn còn 1.800m2 đang trồng lúa, dự kiến 1-2 năm nữa sẽ chuyển sang trồng thanh trà.

Theo bà Huỳnh Thị Ân, năm nay thanh trà Thủy Biều không được mùa như các năm trước, song trái đều và to hơn mọi năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện, các vườn thanh trà đang vào vụ thu hoạch, song chưa ai hái bán vì “để dành” chờ đợi lễ hội thanh trà, đón các đoàn khách đến tham quan và mua tại vườn vào đầu tháng 9 tới.

Là địa phương có tới 800 hộ trồng thanh trà với tổng diện tích gần 150ha, chiếm 50% diện tích thanh trà toàn tỉnh, thanh trà Thủy Biều được người dân lựa chọn bởi trái đều, vị ngọt thanh nhờ trồng ở vùng đất bồi ven sông Hương. Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, hiện đặc sản này đã có mặt ở các siêu thị lớn trên toàn quốc.

Du khách tham quan gian hàng giới thiệu đặc sản thanh trà tại lễ hội thanh trà năm 2016

Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, nếu so với các loại cây ăn trái khác thì thanh trà cho giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần. Hiện, 1ha thanh trà cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng nên nhiều hộ dân đang đầu tư vốn chuyển dần diện tích đất trồng các cây lâu năm sang trồng thanh trà.

Theo ông Huy, dù diện tích phát triển song thanh trà Thủy Biều không lo về đầu ra do HTX Nông nghiệp Thủy Biều đã hợp đồng với các siêu thị, đại lý ở các tỉnh cung cấp số lượng lớn.

Để hỗ trợ các hộ nông dân có vốn cải tạo vườn, đầu tư giống và kỹ thuật mở rộng diện tích, UBND phường Thủy Biều đã liên kết với các ngân hàng cho các hộ nông dân vay vốn với tổng số tiền lên đến 3 tỷ đồng. Hiện, UBND phường Thủy Biều đang vận động nông dân xóa bỏ các vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng thanh trà nhằm nâng cao thu nhập và phát triển đặc sản thanh trà.

Để nâng tầm thương hiệu đối với đặc sản thanh trà, đồng thời tạo cơ hội quảng bá các sản vật địa phương, từ ngày 30/8 đến 2/9, UBND phường Thủy Biều tổ chức lễ hội Thanh trà Huế với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Với chủ đề “Thanh trà- hương vị xứ Huế”, ngoài các hoạt động như hội thi sản phẩm trái ngon thanh trà Huế, hội thi ẩm thực chế biến món ngon từ trái thanh trà, không gian nông sản- thủ công- ẩm thực, năm nay có hai hoạt động mới được tổ chức lần đầu tiên, đó là giới thiệu quy trình trồng và chăm sóc cây thanh trà và lễ cung tiến thanh trà (thanh trà tiến vua).

Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Hoàng Thăng Long cho biết, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, lễ hội năm nay không chỉ tổ chức các hoạt động giới thiệu và quảng bá đặc sản thanh trà, mà còn thực hiện các nghi lễ cung tiến thanh trà đến các đình làng và Đại Nội. Bởi, thanh trà được xem là một trong ba đặc sản dùng để tiến vua ngày xưa, cùng với gạo de An Cựu và nhãn lồng Kim Long.

Diễn ra trong 4 ngày, từ 30/8- 2/9, lễ hội thanh trà Huế được tổ chức tại 540 Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều, TP. Huế với quy mô trên 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm thanh trà và các sản vật địa phương, chế biến món ăn từ thanh trà, tham quan các vườn thanh trà tiêu biểu…

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh tế xanh Huế – nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân

Kinh tế xanh đã được các địa phương đặt vai trò là hướng đi quan trọng để đạt được mức tăng trưởng GRDP cao. Nhu cầu sản phẩm dịch vụ xanh trong và ngoài nước chưa được thỏa mãn đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, kinh doanh để lấp đầy. Do vậy, Huế cần có những bước đi mạnh mẽ, chuyển mình để trở thành một mắt xích trong mối liên kết xanh của Việt Nam và thế giới.

Kinh tế xanh Huế – nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân
Sàng lọc sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số

Với nhiều lợi ích, chương trình sàng lọc sơ sinh được triển khai rộng khắp các đơn vị cấp xã của tỉnh. Ngành y tế có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhằm đạt mục tiêu 60% được sàng lọc trong năm 2024.

Sàng lọc sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số
Thơm thơm nắng thanh trà

Tôi vẫn nhớ cái khung cửa gỗ nâu bóng nơi chái nhà phía tây của ngoại ngó sang nhà mụ Tép. Mụ là em gái của ngoại, vui chuyện và lành. Tôi chán học bài và trốn mẹ sai việc vặt là kiếm cớ chạy tắt vườn sau qua nhà mụ. Mụ có một vườn thanh trà. Mùa xuân lá non và trổ hoa thơm tận bờ rào. Màu hoa trắng ngần giản dị, thuần khiết nhẹ nhõm trong sương mai. Mùa quả chín cũng nhằm mùa sinh của tôi. Là mùa tôi sung sướng đến mức đêm ngủ chỉ mong trời mau sáng. Tôi tót sang nhà mụ doái chân soi chiếc tổ chim có thêm quả trứng nào không và ngửa cổ đếm từng chùm thanh trà mỗi ngày một nặng và trĩu xuống.

Thơm thơm nắng thanh trà

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top