ClockThứ Hai, 23/11/2015 14:29

Ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm tái phát

TTH - Theo Cục Thú y-Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả nước có 2 tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm H5N6, H5N1 và hơn 10 tỉnh, thành phố có dịch lở mồm long móng, lợn tai xanh. Hầu hết các đàn gia súc, gia cầm (GSGC) bị dịch đều chưa tiêm vắc xin. Sự chủ quan của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh GSGC khiến dịch có nguy cơ tái bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Mô hình trang trại lợn an toàn cần được nhân rộng

Chủ quan…

“Về lâu dài, việc chuyển đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, an toàn là vấn đề cần quan tâm. Điều này đòi hỏi các địa phương, ban ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân trong chuyển đổi phương thức chăn nuôi, chấp hành quy định tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng. Các địa phương cần quy hoạch vùng chăn nuôi hợp lý; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn ưu đãi để chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh…”. Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y tỉnh.
Về các vùng nông thôn mùa này rất dễ bắt gặp những đàn vịt thả nuôi trên những cánh đồng, hay trên những con sông. Nhiều đàn vịt tìm kiếm thức ăn cùng với đàn chim cò từ nơi khác di trú đến. Tại Trung Quốc và một số nước đang xảy ra dịch cúm gia cầm H7N9 nên nguy cơ các đàn chim ở những nước này có thể mang dịch bệnh vào nước ta là rất cao.
Điều mà lâu nay ngành thú y và các địa phương luôn quan tâm là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không an toàn khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh GSGC cao. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng việc chuyển đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân đến nay rất hạn chế. Điều đó dễ nhận thấy khi tổng đàn gia cầm toàn tỉnh trên 2 triệu con, lợn hàng trăm ngàn con, nhưng số trang trại, gia trại chỉ vào khoảng trên dưới 1.000 mô hình.
Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y tỉnh lo ngại: Mấy năm gần đây, công tác tiêm vắc xin đã được xã hội hóa, người dân chủ động mua vắc xin và tiêm GSGC nên phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vài chục con đến vài trăm con gà, vịt, vài con lợn đều không chấp hành quy định tiêm vắc xin. Vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng là việc làm rất đơn giản, nhưng người dân cũng thiếu quan tâm. Trong điều kiện diễn biến thời tiết rất phức tạp, cộng với sự chủ quan của người dân nên nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh GSGC trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Không chỉ người chăn nuôi chủ quan, mà cả người kinh doanh tại các chợ cũng không tuân thủ các quy định của cơ quan thú y. Tại các chợ từ thành thị đến nông thôn, phần lớn các hộ kinh doanh gia cầm sống, gia cầm đã giết mổ đều không có các thủ tục, dấu tem kiểm dịch của cơ quan thú y. Hầu hết các chủ hàng đều tỏ ra chủ quan, cho rằng: “Gia cầm được mua của người dân trong làng, vẫn khỏe mạnh thì cần chi kiểm dịch”. Điều đáng nói là các điểm kinh doanh gia cầm đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của cơ quan thú y
Đẩy mạnh phòng ngừa
Ông Trần Quốc Sửu cho rằng, trong điều kiện thời tiết, phương thức chăn nuôi như hiện nay thì việc tuân thủ tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng là biện pháp hạn chế tối đa nguy cơ tái phát dịch bệnh. Thời điểm này, ngành thú y cùng các địa phương tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh GSGC vụ thu 2015. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm khoảng 102 ngàn liều vắc xin tam liên lợn; 33 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò; gần 20 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng cho lợn và gần 400 ngàn liều vắc xin dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên kết quả tiêm như trên chưa đủ tạo miễn dịch toàn đàn; tiến độ tiêm tại một số huyện còn chậm so với kế hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát tổng đàn GSGC, huy động lực lượng triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh GSGC một cách triệt để tại các hộ nuôi, gia trại, trang trại. Phấn đấu toàn tỉnh tiêm vắc xin cho GSGC đạt 95% so với kế hoạch và hoàn thành trong tháng 11-2015. Quá trình tiêm vắc xin, các lực lượng kết hợp giám sát tình hình, sớm phát hiện và xử lý các trường hợp GSGC có dấu hiệu mắc bệnh… Công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại, các điểm kinh doanh GSGC cũng đang được các lực lượng tích cực triển khai. Ngành thú y phối hợp với quản lý thị trường, công an tổ chức tuần tra, giám sát vận chuyển GSGC qua các chốt, trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến đường “trọng yếu”. Trước khi cho qua chốt, vào địa bàn tỉnh tiêu thụ, các phương tiện vận chuyển GSGC đều được tiêu độc, khử trùng.
Trong khi một số tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, ngành thú y và các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập GSGC vào địa bàn; GSGC phải được cách ly, giám sát lâm sàng, tiêu độc và tiêm phòng trước khi nhập đàn; phối hợp với các cơ quan truyền thông, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tuân thủ các quy định chăn nuôi GSGC an toàn để tránh những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 22/11, UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

TIN MỚI

Return to top