ClockThứ Hai, 15/07/2024 07:19

Nhà mạng chạy đua tắt sóng 2G

TTH - Từ nay đến 15/9, các nhà mạng sẽ phải chạy đua với thời gian để giúp khách hàng chuyển từ 2G lên 4G và 5G.

Nhà mạng đồng hành cùng khách hàng “lên đời 4G”Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùngTắt sóng 2G để lên môi trường số

Để không gián đoạn liên lạc từ 16/9, người dùng cần chuyển sang sử dụng điện thoại cơ bản có hỗ trợ 4G hoặc smartphone 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, sẽ không cấp lại băng tần 900MHz, 1800MHz cho các nhà mạng đang sử dụng và sẽ hết hạn vào 15/9. Các nhà mạng sẽ buộc phải tắt sóng 2G theo lộ trình được đưa ra.

15/9 này là thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ các thuê bao điện thoại 2G Only (là các sim chỉ có 2G, lắp vào điện thoại “cục gạch” chỉ có tính năng 2G. Riêng các máy smartphone có sim tích hợp cả 2G, 3G, 4G vẫn sử dụng sóng 2G bình thường) và đến tháng 9/2026, sẽ ngừng hoàn toàn 2G, trừ một số trường hợp đặc biệt như tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024 – 9/2026, hệ thống mạng 2G vẫn duy trì nhưng không phát triển thêm thuê bao mới.

Cắt sóng 2G đem đến nhiều lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp lẫn toàn xã hội. Đối với cá nhân, cắt sóng 2G giúp loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp, hướng tới sử dụng công nghệ cao cho trải nghiệm mượt mà hơn. Đối với doanh nghiệp, cắt sóng 2G góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ xanh, giảm bớt chi phí khai thác băng tần cũ. Còn đối với xã hội, cắt sóng 2G mang lại hiệu quả quan trọng, giúp thúc đẩy toàn xã hội phát triển theo hướng chuyển đổi số quốc gia.

Hiện, các nhà mạng đã lên phương án thúc đẩy chuyển đổi như trợ giá cho điện thoại “cục gạch” hoặc smartphone giá rẻ, tăng cường phủ sóng 4G và tắt hàng trăm trạm 2G trên địa bàn. Trong trường hợp vẫn sử dụng thiết bị hỗ trợ mạng 2G (2G Only), người dùng có nguy cơ không thể sử dụng dịch vụ. Nhà mạng cũng không thể can thiệp do giấy phép băng tần 900/1800MHz – vốn là tần số chính dùng cho dịch vụ 2G tại Việt Nam – khi đó sẽ hết hạn. Tuy nhiên, số liệu thống kê của các nhà mạng trên địa bàn cho thấy, Thừa Thiên Huế vẫn còn hàng ngàn thuê bao 2G đang sử dụng.

Hơn 2 năm qua, nhà mạng VNPT đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Với số khách hàng 2G của VinaPhone còn khoảng 14.000, VNPT tỉnh cũng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Viettel cũng sẵn sàng cho việc tắt 2G. Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang thông tin, nhà mạng sẽ lựa chọn những khu vực có ít lưu lượng để tắt dần sóng 2G và đảm bảo việc phủ sóng 4G lên tất cả các khu vực của Viettel, bao gồm vùng sâu, vùng xa…

Là nhà mạng có số lượng khách hàng lớn nhất, hiện Viettel tỉnh còn khoảng 42.000 khách hàng sử dụng 2G. “Chúng tôi đã chuyển tương đối tốt, với mỗi tháng từ 3.000 – 4.000 thuê bao 2G sang 4G, 5G. Quan trọng hơn cả là Sở TT&TT cần đẩy mạnh tuyên truyền về lộ trình cắt sóng 2G để người dân và khách hàng biết”, ông Quang đề xuất. Đồng hành cùng khách hàng trong công cuộc nâng cấp công nghệ di động, Viettel thời gian qua đã ra mắt nhiều chương trình hấp dẫn như giảm giá máy 50%, bán giá máy 0 đồng với điều kiện khách hàng cam kết sử dụng các gói cước trong vòng 6 tháng; có các điện thoại giá rẻ chỉ từ 195.000 đồng/máy cho người dân…

Trong khi đó, nhà mạng MobiFone cho rằng, để tiến tới việc tắt sóng 2G hoàn toàn, các nhà mạng cần thực hiện đồng bộ toàn xã hội, đưa kế hoạch này trở thành một chiến dịch để người dân hiểu đây là một sự nâng cấp, thay vì loại bỏ. “Tại Thừa Thiên Huế, MobiFone đã tắt 140/350 trạm 2G, phấn đấu đến 15/9 sẽ tắt khoảng 80% số trạm 2G hiện có. Đến nay, MobiFone còn trên 17.500 thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như truyền thông trực tiếp cho thuê bao tại các huyện, thị, thành phố; phối hợp với Công ty Điện lực tỉnh thay sim 4G cho toàn bộ thiết bị đo đếm điện trên toàn tỉnh. Lập các điểm hỗ trợ tư vấn tặng máy 4G cho khách hàng thuộc đối tượng tại các cửa hàng MobiFone có lượng khách đông…”, Giám đốc MobiFone tỉnh Phan Văn Hoài cho hay.

Theo Sở TT&TT, thời gian qua, đơn vị cùng các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện việc truyền thông các thông tin liên quan đến tắt sóng 2G tới các đối tượng người sử dụng trên Hue-S cũng như các phương tiện truyền thông phù hợp… Sở cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tích cực truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương và chủ động chuyển đổi từ thiết bị 2G sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên. Thông tin về các chương trình hỗ trợ kinh phí mua smartphone 4G hoặc điện thoại feature phone 4G và có những gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi, thực hiện đến ngày 16/9/2024.

“Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Trước đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cần phát triển các trạm thu phát sóng di động để đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế cho mạng 2G và hoàn thành việc này trước tháng 9/2026”, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn nói.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình hồi sinh của ba bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt

Từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, 3 tạng hiến được ê kíp đưa về Huế ghép cho 3 bệnh nhân trong ngày 2/4. Đây là một kỷ lục khác của Bệnh viện Trung ương Huế về ghép tạng xuyên Việt. Thừa Thiên Huế Online ghi lại hành trình thần tốc và nỗ lực giành lại sự sống cho người bệnh.

Hành trình hồi sinh của ba bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt

TIN MỚI

Return to top