Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh
Theo ông Sỹ, để hỗ trợ cho DN, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 8 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Về lãi suất, NHNN đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn (1,5-2,0%/năm), đồng thời có các biện pháp chỉ đạo, điều hành, kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm các mức lãi suất cho vay.
Về cơ chế, NHNN đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 03 và mới đây là Thông tư 14 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời, chỉ đạo các TCTD, tổ chức thanh toán miễn, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng.
Ngoài việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn không chuyển nhóm các DN thì việc giảm lãi cho các dư nợ hiện hữu, các khoản vay mới cũng rất thiết thực.
Ông có thể thông tin kết quả bước đầu những hỗ trợ của ngành đối với người dân, DN trên địa bàn?
Theo kết quả khảo sát, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hiện nay là 13.266 tỷ đồng (trong đó DN là 9.597,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 72%). Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.035 khách hàng (trong đó có 144 DN) với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 1.390 tỷ đồng (trong đó DN là 1.123 tỷ đồng).
Các TCTD cũng thực hiện miễn, giảm lãi suất đối với 3.624 khách hàng (trong đó có 227 DN) với tổng dư nợ được miễn, giảm, hạ lãi suất là 3.309 tỷ đồng (trong đó DN là 2.216 tỷ đồng); số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 9,74 tỷ đồng (trong đó DN là 6,28 tỷ đồng).
Về hoạt động cho vay hỗ trợ DN vượt khó, thưa ông?
Từ đầu năm 2020, các chi nhánh TCTD đã cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với doanh số cho vay là 23.846 tỷ đồng (trong đó DN là 12.505 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52%). Số khách hàng còn dư nợ vào khoảng 5.422 khách hàng (trong đó có 520 DN).
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (kết thúc chương trình vào 31/1/2021 theo quy định) đối với 2 DN. Hiện, NHCSXH đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay trả lương lao động ngừng việc và trả lương lao động khi phục hồi SXKD và đã giải ngân cho 3 DN với dư nợ 494,51 triệu đồng, trả lương 148 người lao động.
Các ngân hàng vẫn triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi
Cộng đồng DN kỳ vọng rất lớn vào chính sách cho vay trả lương ngừng việc đang được triển khai. Tuy nhiên, theo nhận định của cộng đồng DN các quy định đi kèm vẫn rất khó tiếp cận?
Với chính sách này, DN đủ điều kiện sẽ được vay vốn với lãi suất 0%/năm mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đây là chính sách có độ mở rất lớn. Hiện, NHNN cũng đang đề xuất nới một số quy định. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều DN được tiếp cận với với gói chính sách này.
NHNN chi nhánh tỉnh đang theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo NHCSXH triển khai quyết liệt việc thực hiện chính sách này. NHNN Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN ngày 21/7/2021 nhằm tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho NHCSXH để làm nguồn vốn cho vay. Vì thế, nguồn vốn cho vay vẫn rất phong phú.
Việc giảm lãi suất các khoản vay mới cho khách hàng được các TCTD triển khai ra sao?
Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5% đến 2,0%/năm để tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Vì thế, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay khá dồi dào cộng với đó là mặt bằng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5%/năm so với trước dịch nên cơ hội cho vay giảm lãi suất cho vay vẫn rất lớn.
Hiện, 16 NHTM có thị phần tín dụng lớn đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay các khoản dư nợ hiện hữu với mức giảm từ 0,5%-1,5% áp dụng từ 15/7/2021 đến cuối năm 2021. Với việc giảm lãi suất này, trên địa bàn tỉnh sẽ có 41.809 khách hàng với dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất 14.164 tỷ đồng, số tiền lãi được giảm từ 15/7-31/12/2021 là 56,3 tỷ đồng. Đồng thời, các ngân hàng đã ban hành nhiều chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn, trung dài hạn hướng đến tất cả đối tượng khách hàng, trong đó đặc biệt là khách hàng DN.
Các loại phí có được các TCTD điều chỉnh theo hướng miễn, giảm?
Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN Việt Nam cũng đã 2 lần có chỉ đạo các TCTD và Napas (thương hiệu thẻ quốc gia thuộc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ DN, người dân. Napas đã triển khai chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với mức giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ ngày 1/8/2021 đến cuối năm 2021. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã đồng loạt miễn, giảm phí dịch vụ kể từ đầu tháng 8/2021
Thời gian qua, một số DN vẫn cho rằng các chính sách hỗ trợ của ngân hàng vẫn chưa tới, ông có thể thông tin về một số kênh tiếp cận với ngân hàng nhằm hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất?
Việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của DN, NHNN chi nhánh tỉnh vẫn duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất và khó khăn của khách hàng, gồm: ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách (0914.263.509); ông Đỗ Việt Cường, Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng (0913.495.678); Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ (0234.3822512).
Ngoài ra, NHNN tiếp nhận các thông tin phản ánh thông qua việc phối hợp với Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ… nắm bắt các thông tin về khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị cụ thể của từng DN để có hướng tháo gỡ.
Ông có chia sẻ nào với DN đang gặp khó khăn do dịch COVID-19?
Theo báo cáo một số ngân hàng, thực tế có một số DN khi tiếp cận nguồn vốn không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; báo cáo tài chính không rõ ràng, một số DN không sẵn sàng cung cấp thông tin khi ngân hàng đến tiếp cận để có thể tư vấn cho DN chương trình ưu đãi và mức lãi suất phù hợp… Vì vậy, trong thời gian tới, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía NHNN và các TCTD, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, khả năng trả nợ, xây dựng phương án, dự án sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo niềm tin đối với các TCTD yên tâm cấp tín dụng.
Các ngân hàng cũng là DN, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trong hoạt động vẫn phải đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trả được lãi cho người dân gửi tiền. Khi cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14, các TCTD cũng đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai, phải trích lập dự phòng làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải cắt giảm lương, thưởng, tiết giảm tối đa chi phí để có nguồn hỗ trợ miễn, giảm lãi, giảm các phí dịch vụ... Qua đó cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng với DN của các ngân hàng. Do đó, ngành ngân hàng rất cần sự đồng cảm, chia sẻ từ phía các cấp, các ngành, đặc biệt là từ cộng đồng DN…
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LOAN (Thực hiện)