|
Bờ hói Long Thọ (TP. Huế) được cứng hóa nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu |
Nhiều ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn
Hơn 70% dân số ở Thừa Thiên Huế sống ở nông thôn liên quan đến nông nghiệp đã phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên nước. Tuy vậy dưới tác động của BĐKH, hàng năm Thừa Thiên Huế phải hứng chịu thời tiết cực đoan như bão, lụt, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng... làm cho ngành nông nghiệp địa phương gặp khó khăn, đời sống nhiều hộ dân rơi vào thế thiếu bền vững.
Hiện tại toàn tỉnh có hơn 64/1.056km bờ sông bị sạt lở nặng, tập trung ở sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu... Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân sống ở khu vực lân cận và ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, các công trình, giao thông đi lại. Theo thống kê, có gần 20/127km bờ biển bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Hải Dương, Thuận An (TP. Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang); Vinh Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 2.000 hộ dân.
BĐKH còn uy hiếp đến dải cồn cát ven biển, ảnh hưởng đến 24 xã, phường, thị trấn ven biển và có nguy cơ mở cửa biển mới, gây ảnh hưởng đến tuyến QL49B cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật, KT-XH, an ninh quốc phòng...
Năm 2022, ở Thừa Thiên Huế xảy các đợt mưa lớn kết hợp triều cường làm vỡ một số đê bao nội đồng và ngập úng 2.250ha lúa mới gieo sạ. Đến giữa năm nay, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao đã khiến nhiều hồ đập khô cạn, dẫn đến hàng nghìn ha lúa vụ hè thu thiếu nước, nhiễm sâu bệnh. Gần 3.000ha cây trồng khác đã thiếu nước tưới, nhất là vùng gò đồi, ven biển, cát nội đồng. Nhiều vụ cháy rừng ở Phong Điền, TP. Huế, TX. Hương Thủy… đã xảy ra.
Đẩy mạnh công tác ứng phó
Quán triệt Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều chương trình, hành động thiết thực, cụ thể.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Trên cơ sở đó, đơn vị này phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, như tổ chức thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ chuyên ngành; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH với sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể và cộng đồng dân cư…
Toàn tỉnh đã tập trung rà soát, đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực như nông, lâm nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; tài nguyên nước bị ảnh hưởng, tổn thương do BĐKH. Qua đó, tập trung xây dựng đê đập, hồ chứa nước tiêu tưới cho cây trồng, gia cố kè bờ sông, bờ biển tại các vị trí bị sạt lở nguy hiểm; triển khai các dự án trồng rừng phòng hộ tại các cửa sông, biển; các đồi núi, đồng cát sa mạc hóa. Bằng nhiều nguồn vốn, đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế đã đầu tư gia cố hệ thống kè khoảng 81km ở các bờ sông Hương, sông Bồ, sông Truồi...; đầu tư đê kè chống xói lở bờ biển với chiều dài 2,6km tại khu vực Thuận An (TP. Huế); Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang), Giang Hải (Phú Lộc)… với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ mới thích ứng với BĐKH, phù hợp từng ngành, lĩnh vực, tại khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề, địa phương. Bên cạnh đó còn rà soát, điều chỉnh bổ sung yếu tố BĐKH trong chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; tiếp tục duy trì các phong trào mang tính cộng đồng, như “Chủ nhật xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, "hạn chế dùng túi ni lông"; đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và kiên quyết không tiếp nhận các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, có lượng phát thải khí nhà kính lớn… nhằm bảo vệ môi trường, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.
Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay, nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác ứng phó với BĐKH tại địa phương, sở tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 phù hợp trên địa bàn. Trong đó, nhiều nhiệm vụ chính được đặt ra về ứng phó với BĐKH, như đánh giá khí hậu ở địa phương; xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH; tiếp tục cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh để có bức tranh toàn diện về ứng phó với BĐKH. Theo đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện và làm cơ sở cho tỉnh lồng ghép vào chiến lược phát triển KT-XH ở địa phương có tính đến các tác động của BĐKH trong thời gian tới.