ClockThứ Ba, 26/05/2015 14:41

Nhiều vấn đề cần phải thay đổi

TTH - Kể từ năm 2011, khi PAPI (chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) được triển khai trên phạm vi rộng tại tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc, PAPI không chỉ được xem như một cách chấm điểm của người dân đối với chính quyền địa phương về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp - hay nói cách khác là một bộ chỉ báo hữu dụng phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp Trung ương và cấp tỉnh - mà còn là một công cụ đánh giá mức độ chuyển biến qua thời gian ở các chỉ số đo lường.

Kết quả PAPI 2014 đã được Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam phối hợp với chương trình phát triển của Liên hiệp quốc công bố vào trung tuần tháng 4/2015 vừa qua cho thấy, mức độ cải thiện không đăng kể và trong 6 lĩnh vực được đo lường bao gồm: sự tham gia của người dân; minh bạch, giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công, điểm trung bình của toàn quốc có phần suy giảm ở lĩnh vực đầu và chỉ tăng nhẹ hoặc giữ nguyên ở 5 lĩnh vực còn lại. Điểm cao nhất (điểm trần) tăng ở chỉ số cung ứng dịch vụ công; điểm trung vị tăng ở 4 chỉ số công khai, minh bạch, trách nhiệm, giải trình; kiểm soát tham nhũng và cung ứng dịch vụ công nhưng điểm thấp nhất (điểm sàn) cũng có xu hương gia tăng ở hai chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng và thủ tục hành chính công.

Điều đáng nói là mặc dù đã chính thức được vận hành ở năm thứ tư, nhưng năm 2014 này không có tỉnh, thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. Quảng Bình là địa phương đạt điểm cao nhất ở 5 nội dung và nhóm đạt điểm cao nhất ở 4 chỉ số nội dung là Quảng Trị, Vĩnh Long, Nam Định, Long An, Bình Định và Quảng Ngãi.
Người dân ít tham gia vào quá trình ra quyết định cấp cơ sở và vấn đề tham nhũng vẫn được người dân đánh giá là vấn đề nghiêm trọng, theo cùng với đó là “chủ nghĩa vị thân” trong tuyển nhân lực vào khu vực công và điều này đã làm giảm chất lượng của hệ thống công vụ. 49% là tỷ lệ người dân chia sẻ với những nhận định về hiện trạng hối lộ khi xin việc vào cơ quan nhà nước và tỷ lệ này là 33% khi làm thủ tục đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 26% liên quan đến xin phép cấp giấy phép xây dựng; 43% liên quan đến khám chữa bệnh ở bệnh viện công huyện/quận; 30% để học sinh tiểu học được quan tâm hơn và 23% liên quan đến việc dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.
Bên cạnh những cảnh báo khác về vấn đề kinh tế - xã hội đáng lo ngại là sử dụng ma túy, tai nạn giao thông, chất lượng y tế… PAPI 2014 cũng cho thấy, người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương có tỷ lệ tăng từ 34% năm 2011 lên 38,7%; 47% (trước đó là 33%) đánh giá tích cực trong số những người đã được biết đến Luật phòng chống tham nhũng…
Theo “chấm điểm” của người dân được thể hiện ở kết quả PAPI 2014, thủ tục hành chính công cũng không có cải thiện nhiều. Chỉ có 6 tỉnh/thành phố đạt mức gia tăng về điểm hơn 5% so với năm 2011. Nhiều vùng, địa phương vẫn có độ trễ trong việc thực hiện các quy định về các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất. Vấn đề cần nhận thấy ở lĩnh vực này mà báo cáo PAPI 2014 chỉ ra là có những khác biệt về đánh giá của người dân trong cùng một đơn vị, tỉnh, thành phố về bình đẳng trong thụ hưởng từ quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Với nhiều người dân, dịch vụ nhận được hay trải nghiệm có được khi tương tác với chính quyền thuộc nhóm “chất lượng cao” nhưng với nhiều người dân khác, chất lượng dịch vụ nhận được yếu kém đến mức họ đánh giá rất thấp hiệu quả cung ứng dịch vụ của chính quyền.
Đây là những vấn đề cần được các cấp chính quyền nhìn nhận, đánh giá khi nhìn vào thực chất hoạt động quản trị và hành chính công để đặt ra những kế hoạch để có thay đổi và cải thiện.
Không thuộc vào danh sách các địa phương bị giảm điểm nhiều nhất, song Thừa Thiên Huế cũng chỉ được “điểm danh” 2 lần trong báo cáo kết quả PAPI 2014 (tất nhiên ngoại trừ bảng điểm ở những nội dung cụ thể) khi được xếp vào nhóm cuối bảng về hiệu quả trong thủ tục hành chính công cấp tỉnh và nhóm đầu bảng về hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công.
Ở đây, còn có một con số cần được tham khảo và đánh giá khác. Đó là trên 94% khách hàng hài lòng về dịch vụ hành chính công trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trong khoảng thời gian từ 15/4 đến 6/5/2015 tại 7 đơn vị, bao gồm các sở Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Tài Nguyên môi trường, UBND Thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc do đoàn công tác thí điểm của tỉnh thực hiện.
Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số

Có bề dày gần 50 năm kinh nghiệm hoạt động chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đang triển khai các giải pháp để thích nghi với thời kỳ chuyển đổi số, một bước đi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của ngành và sự phát triển không ngừng của xã hội.

HEPCO kiến tạo môi trường làm việc số
Return to top