Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thăm mô hình trồng sâm Bố Chính
Cùng làm việc với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Trước khi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện A Lưới đã đi kiểm tra 2 mô hình phát triển kinh tế của người dân ở xã Quảng Nhâm, đó là, trồng sâm Bố Chính và chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ bày tỏ sự vui mừng khi thấy sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của các hộ dân. Đồng thời, động viên các hộ dân luôn biết nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, chăm chỉ trong sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Giảm nghèo đa chiều
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý, Quảng Nhâm là một trong ba xã của huyện A Lưới thực hiện chủ trương sáp nhập để tinh giảm bộ máy. Tuy đã nỗ lực cố gắng, nhưng Quảng Nhâm vẫn là xã nghèo, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn; tập quán canh tác của Nhân dân chậm đổi mới; quy mô nền kinh tế nhỏ lẻ, manh mún; chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ một số nội dung về ứng dụng các mô hình KHCN trong sản xuất kinh tế, hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều.
“Thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều dự án (DA) công nghệ trên địa bàn như DA trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhân rộng để giúp người dân có công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Hiện ở Quảng Nhâm đang có mô hình trồng sâm Bố Chính cần tiếp tục nhân rộng để trở thành cánh đồng sâm lớn. Những mô hình trồng nấm ở Hồng Quảng, trồng hoa, trồng dược liệu… trên địa bàn huyện cũng cần nhân rộng, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân vừa tạo ra chuỗi giá trị”, ông Hồ Thắng nói.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT gợi ý, A Lưới có lợi thế về khí hậu, phù hợp với phát triển các mô hình sản xuất. Vấn đề là làm thế nào để người dân góp sức, góp đất để cùng làm. A Lưới nên phát triển mô hình kinh tế kết hợp phát triển du dịch.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các sở, ngành của tỉnh giúp cho huyện trong việc quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi để tạo công ăn việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Tiếp tục nâng cao vai trò cấp ủy các cấp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, huyện A Lưới cần xác định, nông nghiệp vẫn là chủ lực, nhưng làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Xã Quảng Nhâm còn 937 hộ nghèo, cần có phương án, tìm hiểu nhu cầu từng hộ để bố trí, giảm tỷ lệ hộ nghèo phù hợp. Điều quan trọng là, khắc phục được tình trạng chây ỳ, ỷ lại, thiếu ý chí lao động.
Đồng thời lưu ý, huyện A Lưới cần tiếp tục nâng cao vai trò cấp ủy các cấp trong xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Quan điểm chỉ đạo chung của lãnh đạo tỉnh là, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Vai trò cấp ủy, chính quyền cơ sở cấp xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau các đợt khảo sát ở cơ sở phải xây dựng mô hình tổ chức phù hợp. Dân vận Tỉnh ủy xây dựng các mô hình dân vận khéo. Văn phòng Tỉnh ủy nâng cao bộ máy văn phòng cấp ủy ở cơ sở. Tiến tới mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đều phải có quy chế làm việc thật cụ thể. Ai làm, khi nào xong và sản phẩm cụ thể là gì, cần rà lại để nâng cao vai trò trách nhiệm của từng cá nhân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp gắn với các chỉ tiêu về chuyển đổi số. Phương châm làm công tác dân vận ở cơ sở là, cụ thể hóa việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Xây dựng mạng lưới dân vận khéo nói dân hiểu hiểu dân nói.
Các công việc phải được kiểm tra, giám sát. Quan điểm giảm nghèo bền vững là phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phương án giảm nghèo từng hộ. Cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm còn 1,87% hộ nghèo; đưa A Lưới thoát ra khỏi địa phương nghèo của cả nước. Phương án giảm nghèo đã có nhưng cách thức thực hiện. Mục tiêu đặt ra là tạo công ăn việc làm và xóa hết nhà tạm.
Nhiều vấn đề đặt ra cho A Lưới để thoát nghèo, mấu chốt là phải thay đổi tư duy. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nông nghiệp giúp người dân làm giàu; kiện toàn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, có sự phân công, phân nhiệm, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Thời gian giảm tỷ lệ hộ nghèo không nhiều, huyện A Lưới tập trung lãnh, chỉ đạo, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Anh Phong