ClockThứ Bảy, 18/02/2023 13:30

Nhờ biển

TTH - “Ở thôn 6 có chị Nguyễn Thị Thau giỏi lắm. Xuất phát điểm cực khổ, nhưng từ tay trắng, chị Thau tảo tần buôn bán hải sản, nay làm được nhà tiền tỷ, nuôi các con ăn học nên người”. Đó là “tấm tắc” của nhiều người dân xã Vinh Thanh (Phú Vang).

Những chuyến biển đầu năm

Nụ cười của chị Thau (phải) luôn tươi trong suốt câu chuyện kể về những năm tháng "bám" con tôm, con cá

Đến tìm gặp chị Nguyễn Thị Thau, “đón” chúng tôi chỉ có ngôi nhà to đẹp đang đóng cửa im ỉm. Hàng xóm cho biết, cách đây hơn 3 giờ đồng hồ, chị Thau đã ra bãi biển Vinh Thanh lúc 12 giờ trưa để thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt bãi ngang, cập bờ. Trên bãi biển là người phụ nữ với chiếc mũ và khẩu trang quấn kín mặt, chống cái nắng đang gay gắt, thoăn thoắt phân loại ghẹ, cá…, bán cho mối hàng từ xã Vinh An (Phú Vang) đến và từ TP. Huế về. Phải đến 6 giờ tối, khi mọi nhà trong thôn đã lên đèn, quây quần bên bữa cơm, chị Thau mới trở về nhà. “Bán cho khách trên bãi biển xong, tui còn “vòng” ra chợ chiều Vinh Thanh, bán hết số hải sản thu mua được” - chị Thanh nở nụ cười chất phác “phân bua”.

Nụ cười luôn trên môi người phụ nữ, khiến câu chuyện khó nhọc tảo tần suốt bao năm qua cứ “nhẹ nhõm” hẳn. Chị Thau kể, sinh ra lớn lên trong làng chài, bố và các anh đều theo nghề khai thác, đánh bắt trên biển, nên chị muốn “kết duyên” với công việc buôn bán hải sản. “Người thân khuyên tui nên học nghề may cho đỡ cực, nhưng tui vẫn muốn “theo” con tôm con cá, dù rất vất vả” - Chị Thau nhớ lại bắt đầu “ra bãi biển” từ khi còn là cô gái nhỏ 15-16 tuổi.

Hồi đó Vinh Thanh còn chưa có điện. Mùa hè, chị Thau ra biển chờ thuyền đánh bắt bãi ngang cập bờ. “Biển có thứ chi tui mua thứ đó. Mực, cá mua được tui về xẻ phơi khô, để hôm sau đạp xe đạp chở vài chục kg lên chợ Đông Ba bán cho các mối hàng quen”. Mùa mưa, không thể phơi cá, cứ ghe cập bờ lúc 2-3 giờ sáng, chị Thau chờ mua rồi gánh bộ đến bến đò Vinh Xuân để qua Viễn Trình (Phú Đa), tiếp tục gánh bộ đến bán ở chợ Phú Thứ hoặc chợ Phú Lương khi trời vừa kịp sáng. Quẩy đôi quang gánh nhẹ tênh về đến nhà cũng đã 7-8 giờ tối, áo ướt đẫm mồ hôi.

Năm 21 tuổi lấy chồng, biết sẽ vất vả hơn bởi chung sức cùng chồng nuôi dưỡng con cái, xây dựng gia đình, chị Thau vay mượn, đầu tư để một số ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, sửa chữa ghe thuyền. Hải sản do những thuyền này đánh bắt được, sẽ do chị Thau “bao thầu”. “Năm này qua tháng khác, cứ hư hỏng hoặc chuyển đổi ngư lưới cụ, cho họ ứng tiền trước để mua sắm, sau đó thu mua hải sản của họ đi bỏ mối và cả bán lẻ, dựa vào nhau, cùng vươn lên cuộc sống tốt đẹp” - chị Thau bộc bạch, sau này đời sống phát triển, hiện đại hơn; đảm bảo trong xử lý bảo quản hải sản, nên việc buôn bán thuận tiện hơn. Những lúc Vinh Thanh được mùa cá tôm, đầu nậu ở Thuận An sẽ dùng xe đông lạnh về tận nơi thu mua. Những khi ngư dân đánh bắt không được nhiều, chị Thau lại “ngược xuôi” cùng chiếc xe máy, chở từ 30 đến 70 kg cá đến Thuận An bỏ mối.

Vay vốn qua kênh phụ nữ, vay ngân hàng, xoay vòng tảo tần kinh doanh buôn bán hải sản, vợ chồng chị Thau trả hết nợ, nuôi 6 người con ăn học nên người và “dư” ra được ngôi nhà xây dựng hết hơn 1,5 tỷ đồng, khang trang, chắc chắn trước những mùa bão lũ.

Chị Thau vui vẻ kể, ngoài “oằn lưng” với cá tôm, vợ chồng chị bao năm qua còn phát triển chăn nuôi. Đàn heo ban đầu từ vài con, khi “cao điểm” nhất là 100 con. Lãi từ những lứa heo cũng góp thêm phần để quay vòng kinh doanh hải sản. Xin được lấy bộc bạch của chị Thau thay cho lời kết: “Cuộc sống gia đình tui được như ngày hôm nay là bởi sự nỗ lực của bản thân, nhờ sự cộng đồng, hỗ trợ nhau của ngư dân trên địa bàn, nhờ biển…”.

Bài, ảnh: MINH ĐỨC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top