ClockThứ Sáu, 14/06/2024 06:38

Những nông dân sản xuất giỏi

TTH - Với đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, nhiều nông dân đã vươn lên sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Hỗ trợ sản xuất gắn với thành lập câu lạc bộ nông dân giỏiPhòng trừ sâu bệnh, dịch hại lúa từ đầu vụSợi rơm vàng sau mùa gặt

Mô hình trồng mướp đắng của nông dân cho thu nhập khá cao 

Là hội viên nông dân, chị Lê Thị Hương ở xã Phong Thu (Phong Điền) thường xuyên được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề hàng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do hội nông dân các cấp tổ chức. Chị Hương nhận thức được việc học tập và làm theo Bác tuy khó nhưng không phải không học được, phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Từ đó, chị Hương xác định phải quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất cho gia đình bằng chính sức lao động của mình.

Thế là chị quyết định cải tạo mô hình trồng cây thanh trà và đầu tư dịch vụ vật liệu xây dựng. Chị chia sẻ, luôn chú trọng phát triển 1ha cây thanh trà của gia đình theo hướng bền vững; đồng thời tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để chủ động tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Nhờ năng động, sáng tạo, chị Hương sớm tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các chính sách của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Được Hội Nông dân xã Phong Thu chọn mô hình cây thanh trà để Chi hội Nông dân thôn Trạch Hữu - nơi chị đang sinh hoạt xây dựng mô hình tập thể; cây ăn quả thanh trà ở Trạch Hữu được nhân rộng 5ha, được công nhận VietGAP.

Chị Hương cũng là người đi đầu trong việc chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả thanh trà theo hướng VietGAP. Hiện nay, gia đình có 100 cây, hàng năm thu nhập 70-80 triệu đồng. Từ phong trào nông dân SXKD giỏi, gia đình chị Hương phấn đấu mở rộng quy mô, đa dạng nghề, như nhận gia công đúc bờ lô, xe tải vận chuyển sản phẩm hàng hóa, buôn bán vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp. Tổng thu nhập hàng năm 680 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 350 triệu đồng/năm.

Mô hình làm ăn của chị Hương giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập quân mỗi tháng 7,5 triệu/người; trong đó có 2 lao động từ hộ nghèo đã thoát nghèo vươn lên hộ khá. Gia đình chị Hương được công nhận là hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh 5 năm liền.

Anh Trương Ngọc Nhật sinh ra và lớn lên tại Mộc Trụ, xã Phú Gia (Phú Vang). Năm 26 tuổi lập gia đình với hai bàn tay trắng. Anh Nhật chia sẻ, cuộc sống gia đình trước năm 2005 chỉ dựa vào 0,3ha hồ nuôi thủy sản. Quá trình nuôi chưa nắm bắt kỹ thuật, còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi tôm nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh, dẫn đến thất bại.

Với bản tính chăm chỉ, cần cù, anh Nhật quyết tâm đưa kinh tế gia đình ngày một đi lên trên quê hương của mình. Cuối  năm 2005, nắm bắt thông tin từ cán bộ khuyến nông xã, anh đăng ký với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú kết hợp cá dìa, cá nâu và cua. Trong quá trình triển khai mô hình luôn có sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật.  Với những thuận lợi, thành công bước đầu từ diện tích 0,3ha đã tạo thêm động lực để vợ chồng anh phấn đấu hơn.

Từ năm thứ 3 trở đi, khi đã nắm bắt được những kỹ thuật, tích lũy được kinh nghiệm nuôi xen ghép phù hợp điều kiện tại địa phương; đồng thời được sự quan tâm của HND tỉnh, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô nuôi trồng.

Cùng với đó, để nắm các kiến thức, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, nông dân Trương Ngọc Nhật đã tích cực tham gia các lớp tập huấn được tổ chức tại xã, huyện, tỉnh. Sau khi nắm được các kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, anh mạnh dạn đầu tư vào thuê thêm ao hồ, mở rộng diện tích nuôi với quy mô lớn hơn. Đến nay, tổng diện tích nuôi của gia đình đạt 9ha với 26 hồ, bình quân mỗi hồ rộng 3.000 đến 5.000m2. Doanh thu từ nuôi trồng thủy sản mỗi năm đạt 11 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 2 tỷ đồng.

Với số vốn tích lũy được qua các năm, nhận thấy kinh tế thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương theo mô hình nuôi xen ghép phát huy hiệu quả nên bà con mở rộng diện tích nuôi, gia đình anh Nhật mạnh dạn đầu tư cung ứng thức ăn nuôi trồng thủy sản. Trước tiên là phục vụ nuôi trồng thủy sản của chính gia đình, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế bằng cách bán thức ăn sau thu hoạch mới thanh toán, với tổng doanh thu hàng năm đạt 12 tỷ đồng. Qua đó, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển nuôi trồng, tăng thêm nguồn thu nhập đạt 350 triệu/năm.

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền học và làm theo gương Bác gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương tới các hội viên, nông dân. Từ đó, xuất hiện những nông dân không chỉ gương mẫu học tập và làm theo gương Bác mà còn tích cực tuyên truyền, vận động để người thân và cộng đồng cùng làm theo.  

Những năm qua, thành quả từ các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương Bác. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp HND tuyên truyền, vận động 47.529 hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt tỷ lệ 105%. Duy trì sinh hoạt định kỳ 64 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi với 700 thành viên tham gia sinh hoạt, trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm. 

Bài, ảnh: Quang Hòa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ nông dân biết cách làm giàu

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền được HND tỉnh đánh giá cao trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân (HVND) phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ nông dân biết cách làm giàu
Sợi rơm vàng sau mùa gặt

Chiều muộn, đi làm về chạy ngang qua cánh đồng thôn Tây Trì Nhơn (Phú Thượng, TP. Huế) thấy một số bác nông dân còn loay hoay với những đống rơm giữa ruộng lúa vừa mới gặt lòng tôi lại nao nao khó tả. Những ký ức về tuổi thơ cứ thế ùa về. Đó là ký ức về những ngày ra đồng gặt lúa, về mùi thơm của những sợi rơm khô, những buổi chạy mưa khi cùng ba mạ phơi rơm, xây rơm ...

Sợi rơm vàng sau mùa gặt
Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Return to top