|
Ông Nguyễn Thanh Tuấn được mệnh danh là “người lo việc bao đồng” ở vùng cát Phong Chương |
Chuyện ở Thủy Biều
Như một bước ngoặt ghi dấu hành trình đổi thay ở xóm Nguyệt Biều, kể từ khi kiệt xóm qua đường Ngô Hà (Thủy Biều, TP. Huế) dài hơn 1km được mở, cuộc sống người dân nơi đây như đổi khác. Không còn chuyện vất vả “nắng bụi mưa lầy”, tuyến bê tông này chạy dọc theo khu dân cư nối dài các vùng lân cận, tạo dấu ấn mới cho cơ hội miệt vườn phía tây TP. Huế phát triển.
Anh Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết, thời gian gần đây, không có năm nào vào các buổi họp, hội nghị tổng kết mà chuyện làm đường giao thông ở địa phương không trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm đưa ra bàn bạc, thảo luận rôm rả. Từ cấp ủy, chính quyền đến các tổ dân phố, khu vực bám sát mục tiêu, vận động người dân hưởng ứng để nhà nhà sạch đẹp, ngõ phố khang trang, từng bước trở thành điểm đến du lịch sinh thái vườn ở phía tây TP. Huế nằm bên dòng Hương thơ mộng.
“Không ai khác, chính người dân mới là chủ thể hưởng lợi. Tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng đều hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng xã hội. Đó mới là mục tiêu mà chúng tôi luôn hướng đến” - anh Thái thực lòng.
Nhiều câu chuyện hay ở Thủy Biều đang lan tỏa nhưng điều mà chúng tôi cảm nhận rõ hơn ở nơi đây là tinh thần đoàn kết, sẻ chia, có nhiều tấm lòng tử tế dù họ còn nghèo, mưu sinh nhờ ruộng, vườn nhưng khi nghe góp công, góp của xây dựng hạ tầng dân sinh ý nghĩa thì nhất nhất hưởng ứng. Nét đẹp và tinh thần ấy này được lan tỏa từ hàng chục năm trước và đến bây giờ rõ nhất là chuyện đồng tâm, hiệp lực làm đường bê tông hóa phường, xóm khang trang, sạch đẹp. Nhẩm tính đến nay, Thủy Biều đã có gần 10km đường giao thông được bê tông hóa, chiếm gần 100% đường thôn, ngõ xóm sạch đẹp; trong đó, hơn 400 hộ gia đình đã hiến đất với giá trị lên hàng chục tỷ đồng.
Anh Hồ Xuân Bách, người dân ở đường Ngô Hà, Thủy Biều, một trong những điển hình tiên phong trong công tác mở đường giao thông kiệt xóm với phương châm “Nhà nước và người dân cùng làm” tại địa phương. Nhiều đợt, nhưng mới đây nhất là khi đường kiệt đi qua đụng phải khu vườn của gia đình, anh Bách đã hiến hơn 300m2 đất không nhận đền bù, với giá trị ước tính lên gần 3 tỷ đồng. Anh Bách nói: "Đất ở phường hiện nay có giá trị cao, nhưng bán thì chẳng có chuyện gì nói. Khi phường, tổ dân phố đến vận động, mình đồng tình hưởng ứng. Không riêng bản thân tôi mà rất nhiều gia đình cũng có suy nghĩ chia sẻ chút giá trị tài sản riêng với cộng đồng. Đường mở ra, giao thông đi lại thuận lợi, đẹp phố, đẹp phường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”…
|
Anh Hồ Xuân Bách (bên trái) trao đổi chuyện hiến đất với cán bộ địa phương |
Vai trò người uy tín
Gặp ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng thôn Trung Thạnh (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) khi năm Giáp Thìn đến gần, chúng tôi hiểu được một con người tử tế có những việc làm đáng phục, được bà con ở làng quê đầy nắng và cát này tin yêu.
Hơn 12 năm làm trưởng thôn, bên cạnh khuyến khích người dân phát triển kinh tế, quan tâm, phát huy các giá trị bản sắc truyền thống, ông Tuấn còn là “hình mẫu” vận động người dân hiến đất, góp ngày công xây dựng các công trình dân sinh. Đáng kể nhất trong phong trào bê tông hóa nông thôn do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thôn Trung Thạnh là một điểm sáng của xã. Mỗi tuyến đường hình thành đều do ông Tuấn “đạo diễn” từ A đến Z, như vận động góp công, quỹ, giải phóng mặt bằng (GPMB), hiến đất. Ông Tuấn còn đứng ra kêu gọi hàng tỷ đồng từ các nơi để xây dựng nhà cộng đồng thôn, đình làng ở Trung Thạnh…
Mới đây, ông Tuấn được biết đến là người “gỡ khó” cho tuyến đường liên thôn dài 6km. Tuyến đường này đầu tư gần 15 tỷ đồng, do huyện phê duyệt hỗ trợ cho hạng mục xây dựng, không có kinh phí bồi thường GPMB. Khi lên kế hoạch phóng tuyến, gần 100 hộ dân hai bên mất đất, với giá trị lên bạc tỷ nên đã nhùng nhằng mà lãnh đạo địa phương phải “cậy” sự uy tín, lời lẽ ông Tuấn thuyết phục để họ nhẹ lòng, thống nhất hiến đất không nhận đền bù… Kể từ khi tuyến đường lớn này mở ra đã tạo sự kết nối giao thông liên vùng, “nhịp sống” mới của người dân vùng cát Phong Chương thay đổi rõ rệt, nhất việc giao thương, trao đổi hàng hóa ở địa phương khá thuận lợi.
Hay, ông Đoàn Văn Đính, Trưởng thôn Tư (Phong Hòa, Phong Điền) từ nhiều năm qua luôn gương mẫu trong mọi hoạt động phát triển cộng đồng địa phương. Với vai trò trưởng thôn, ông Đính nói phải để người dân tin mình và noi theo. Như chuyện hiến đất làm đường liên thôn “kiểu mẫu” ở địa phương năm 2023, do kinh phí GPMB khiêm tốn nên chính quyền xã ngỏ ý người dân hiến góp đất đai, cây cối. Để người dân đồng ý, ông Đính phải đứng ra vận động người dân hiến đất để đường mới đi qua.
“Trong số hộ có đất nằm bên con đường mới, có mảnh đất của gia đình, người thân tôi, nên tôi tiên phong hiến hơn 300m2. Cách làm ấy để thuận lợi hơn trong việc vận động các hộ còn lại. Có mặt bằng, con đường được làm nhanh, trở thành một “huyết mạch” kết nối liên vùng khang trang, sạch sẽ, không còn lầy lội mỗi khi mưa đến” - ông Đính bộc bạch.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết, ông Đính là một trong những người uy tín tiêu biểu của thôn Tư. Bên cạnh việc phối hợp với địa phương thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chủ trương đến với người dân, ông Đính còn góp phần quan trọng trong việc vận động người dân tham gia vào sự phát triển chung của cộng đồng.