ClockChủ Nhật, 19/10/2014 16:14

“Bức tường” chắn sóng ở Hải Dương - ước mơ đã thành

TTH - Từ nay, người dân sống ven bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) an tâm trong mùa bão lũ khi công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển đã hoàn thành.

Công nhân tất bật công việc

 

Hoàn thành đúng tiến độ

 

Trở lại bờ biển Hải Dương những ngày đầu tháng 10, cũng là lúc dự án xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển đang bước vào giai đoạn hoàn thiện hạng mục cuối cùng. Đội ngũ công nhân kiểm tra, gia cố một số điểm trên hạng mục phía trong thân kè trước khi quyết toán, bàn giao. Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chi cục Thủy Lợi và Phòng chống lụt bão (chủ đầu tư) tỉnh nói: “Các đơn vị thi công lúc này có thể thở phào nhẹ nhõm sau 5 tháng thi công. Công trình có kết cấu, khối lượng thi công lớn và khá phức tạp, nhưng sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư, các đơn vị nỗ lực vượt khó, khắc phục kịp thời các sự cố nên hoàn thành đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra”.

 

Gia cố phía trong thân kè

 

Có một số vấn đề nảy sinh phải thực hiện ngay nhằm đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ. Ông Trần Đa Min, cán bộ UBND xã Hải Dương thông tin, qua khảo sát, đánh giá thực tế, phía trong thân kè (phía bên phá) nếu không được gia cố thì nguy cơ sạt lở, gây hư hỏng công trình và mở cửa biển rất cao. Chủ đầu tư kiến nghị tỉnh cho phép xử lý, gia cố thân kè đảm bảo an toàn, nâng tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Được sự đồng ý của tỉnh, chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương đang triển khai gia cố phía bờ trong thân kè bằng đá hộc, kết hợp xây dựng đường giao thông ra đê biển, đến xóm Cồn Đâu, dài khoảng 730m, rộng 1,5m. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị đang khẩn trương thi công hạng mục trên, phấn đấu hoàn thành trước bão lũ. 

 

An tâm đến gió cấp 10

 

Ảnh hưởng tình trạng xâm thực bờ biển, mấy năm gần đây, trên địa bàn xã Hải Dương có khoảng 220 hộ buộc phải tái định cư, chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Còn lại khoảng 60 hộ sát bờ biển đang được chính quyền địa phương tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành trước ngày 31-12-2014và di dời đến ở vào đầu năm 2015.

Ước mơ có một “bức tường” chắn sóng, chống xói lở bờ biển, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân bao đời nay đã trở thành hiện thực. Ông Phan Lành, một người dân sống ven bờ biển Hải Dương tâm sự: “Cứ vào mùa mưa bão, người dân nơi đây lại nơm nớp âu lo sóng biển gây sạt lở, nguy cơ mở thêm một cửa biển mới. Nếu để mở thêm một cửa biển nữa, không chỉ đe dọa tài sản, tính mạng người dân trên địa bàn mà còn gây ô nhiễm môi trường các vùng đầm phá Tam Giang, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế - xã hội. Giờ công trình hoàn thành, bà con yên tâm sinh sống, bám trụ quê hương...”.

 

Từ khi công trình chống sạt lở bờ biển Hải Dương bắt đầu triển khai thi công, nhiều hộ tự tin, mạnh dạn sửa chữa, xây nhà mới kiên cố. Các hộ cách bờ biển trên vài trăm mét an tâm, không đưa vào diện tái định cư. “Bây giờ mệ không còn lo sóng biển đe dọa nữa. Sau mùa mưa lũ này, gia đình mệ đầu tư xây lại ngôi nhà khang trang hơn, trị giá khoảng 500 triệu đồng”, mệ Phan Thị Tuyết bộc bạch.

 

Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương chia sẻ, tuy khá yên tâm nhưng chính quyền địa phương vẫn không chủ quan mà chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão lũ trước khi tình huống xấu có thể xảy ra. Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, công trình xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương có quy mô, năng lực đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng với sức gió cấp 9, cấp 10. Gió từ trên cấp 10 trở lên, địa phương vẫn phải triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Ngoài phương án của xã, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội tổ chức tư vấn xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cho cán bộ địa phương. Các thôn triển khai rà soát, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, tàu thuyền cứu hộ cứu nạn... sẵn sàng huy động triển khai ứng phó khi có tình huống xấu. 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến

Thanh toán trực tuyến từ việc mua bán vé số, mớ rau… phần nào cho thấy tâm lý thanh toán của người dân đã dần có những thay đổi trong thời gian qua.

Thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến
Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc: Nhìn từ phố đi bộ

Phú Lộc là một trong những địa phương thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng việc giữ chân khách ở lại lưu trú vẫn là bài toán gây nhiều trăn trở. Sự ra đời của tuyến phố đi bộ ở Lăng Cô sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, song, phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ đã có từ trước.

Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc Nhìn từ phố đi bộ
Return to top