Nhu cầu vốn cuối năm rất lớn
Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Huế - Hà Quang Thoại thông tin: Trong thông cáo mới nhất, SHB công bố chương trình giảm lãi suất cho vay từ 1,5- 2%/năm cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án xanh; khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm…
Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, SHB còn miễn, giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng áp dụng giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm từ nay đến giữa năm 2023 đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) có gói ưu đãi riêng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, xuất, nhập khẩu…
Tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và quốc doanh như Á Châu (ACB), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank)… cũng đều đã có những chương trình giảm lãi suất cho vay thiết thực. Trong số này, từ nay đến cuối năm, khách hàng sẽ được giảm 1%/năm đối với khoản vay bằng VNĐ. "Đến nay, trên địa bàn có khoảng 10 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế cho hay.
Giám đốc một ngân hàng ở TP. Huế phân tích: Thanh khoản ngân hàng là một trong những vấn đề được mổ xẻ trong những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, cơ quan điều hành này đã giải quyết một số vấn đề khá tốt, chính sách tiền tệ hết sức hợp lý, từ đó ổn định thanh khoản, đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng ổn định.
Thanh khoản sẽ càng ổn định hơn kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố nới room tín dụng từ 1,5%-2%. Nhờ đó, chỉ trong chưa đầy 1 tháng cuối năm 2022, có khoảng hơn 200.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến từ phía doanh nghiệp lo ngại dòng vốn tập trung vào những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, chứng khoán… Cũng theo Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ các đối tượng được hưởng chính sách này đối với các ngân hàng thương mại trong quá trình giải ngân.
Theo đó, đối tượng cần được tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, để đảm bảo doanh nghiệp, người dân được hưởng dòng vốn có lãi suất thấp hơn, Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng thương mại đã và đang giảm lãi suất cho vay thời điểm này… Bởi hơn 200.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước vừa nới room từ ngày 5/12/2022 không thể giải ngân ngay trong năm nay, mà còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế…
Bài, ảnh: Bạch Quang