|
Thanh trà cho thu nhập cao |
Đa dạng các mô hình
Nông dân trẻ Trần Văn Quỳnh, sinh năm 1985 ở tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An nhận thấy, nhu cầu sử dụng nước đá viên, nước đá cây của bà con ngư dân, tiểu thương ướp hải sản sau khi đánh bắt và tiêu thụ trên thị trường ngày càng tăng cao, trong khi nguồn nước đá tại các địa phương ven biển thường xuyên thiếu hụt. Từ đó, Quỳnh quyết định đầu tư cơ sở sản xuất nước đá Kim Cương tại phường Thuận An.
Bình quân mỗi ngày, cơ sở Kim Cương cung cấp gần 15 tấn đá viên và 120 cây đá cho bà con ngư dân, những người buôn bán liên quan đến đánh bắt hải sản, tiêu thụ các sản phẩm thuộc ngành nghề nuôi trồng và phục vụ nhu cầu dân sinh. Cơ sở sản xuất nước đá Kim Cương của Quỳnh tạo việc làm thường xuyên cho 6 công nhân và nhiều đại lý đá bán lẻ có thu nhập bình quân mỗi người 5-7 triệu đồng/tháng. Riêng thu nhập bình quân của gia đình Quỳnh từ SXKD nước đá mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Còn ông Mai Thanh Trắc thuộc Hội Nông dân (HND) phường An Tây, đã phát huy lợi thế vùng gò đồi, ao hồ vươn lên làm giàu chính đáng. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo cộng với kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, ông Trắc vay nguồn vốn từ HND TP. Huế đầu tư mô hình “vườn - ao - chuồng - rừng”. Ông đã đào hơn 500m2 ao để nuôi cá nước ngọt, nuôi vịt, kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi bò để cung cấp cho thị trường. Năm năm qua, ông Trắc đã chăn nuôi hàng chục con bò sinh sản, bò thịt và trồng, chăm sóc, mua bán cây mai Huế, cây cảnh. Ông còn làm dịch vụ chăm sóc cây cảnh và tham gia tích cực trong Tổ HND nghề nghiệp trồng cây tràm của HND phường An Tây. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Trắc gần 500 triệu đồng. Ông tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động và giúp đỡ 2 hộ nghèo.
Hộ ông Lê Văn Nhân, hội viên nông dân (HVND) Chi hội Lương Quán, phường Thủy Biều có mô hình SXKD tổng hợp, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc trồng, chăm sóc vườn cây đặc sản thanh trà với diện tích gần 3.000m2, hàng năm bán ra thị trường khoảng 4 tấn quả thành phẩm đạt chất lượng VietGAP.
Tổng thu nhập từ mô hình tổng hợp của ông Nhân khoảng 350 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập mỗi người 6 triệu đồng/tháng, giúp đỡ 1 hộ nghèo. Ông còn tích cực học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh trà để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, cung ứng cây, con giống cho nông dân có nhu cầu trên địa bàn phường.
Hỗ trợ nhau thoát nghèo
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyết, Chủ tịch HND TP. Huế đánh giá, HVND giỏi các cấp ở TP. Huế đã phát huy tốt tinh thần tương trợ lẫn nhau, không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ người khác vươn lên trong cuộc sống. Mỗi nông dân SXKD giỏi thường xuyên giúp đỡ từ 1-3 nông dân nghèo về vốn, giống, kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phong trào nông dân SXKD giỏi trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thu hút, động viên nông dân phát huy ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội ở địa phương. Từ phong trào đã có nhiều nông dân biết phát huy lợi thế về tiềm năng lao động, đất đai, đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của từng vùng. Nhiều ngư dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành nghề trong nuôi trồng, khai thác hải sản, đánh bắt dài ngày ở vùng biển xa, kết hợp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nhiều hộ gia đình tham gia tích cực vào các mô hình như tổ hợp tác, chi hội, tổ HND nghề nghiệp trồng rau hữu cơ, trồng sen ở HND Kim Long, trồng rau theo hướng hữu cơ Xuân Phú, trồng sen - nuôi cá ở An Đông, trồng tràm, trồng rau muống, chăn nuôi lợn rừng… Bà con còn tích cực xây dựng kinh tế trang trại kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, từng bước ứng dụng công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học, tưới nhỏ giọt tiết kiệm phân, nước... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các HVND tương trợ, giúp đỡ nhau, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SXKD, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ nông dân.
Qua phong trào này đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, tác động tích cực tới HVND tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh, nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh… Phong trào đã động viên, khuyến khích, vận động các hộ SXKD đóng góp xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn cải thiện điều kiện nhà ở và đóng góp tích cực trong các cuộc vận động, xây dựng nguồn quỹ ở địa phương.