ClockThứ Năm, 28/05/2015 10:52

Bao giờ nhà nông hết loay hoay? Kỳ 2: “Bốn nhà” vào cuộc - giải pháp căn cơ

TTH - Một giải pháp được cho là căn cơ, bền vững trong việc nâng cao chất lượng lúa gạo, giá cả và đầu ra ổn định là sự chung tay “bốn nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình còn nhiều khiêm tốn

Chung tay “bốn nhà” để tạo ra nguồn sản phẩm lúa chất lượng cao, đồng thời bao tiêu sản phẩm đang được một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, doanh nghiệp hướng đến. Thực tế cho thấy sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh đã tạo ra lợi ích hài hòa giữa nhà nông và doanh nghiệp. Mấy vụ lúa gần đây, HTX Nông nghiệp Thủy Thanh 2 (TX Hương Thủy) đã tiên phong liên kết với nông dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh lúa chất lượng cao. HTX đã quy tụ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 100 ha, gieo cấy giống lúa chất lượng cao Hương cốm 4. Sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX thu mua với giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với các giống lúa thông thường.
Chủ nhiệm HTX Thủy Thanh 2 Phùng Hữu Thạnh chia sẻ: “Sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nếu không hợp tác với nông dân thì sẽ khó thành công. Ngoài tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu, mục tiêu hướng đến của HTX là thu mua lúa của nông dân, phục vụ hoạt động chế biến”. HTX đã đầu tư 1,2 tỷ đồng mua sắm, lắp đặt dây chuyền xay xát lúa gạo có công suất 1 tấn/giờ. Đáp ứng nhu cầu chế biến, HTX hợp đồng bao tiêu một lượng lớn sản phẩm tại địa phương và một số vùng lân cận. Hoạt động thu mua lúa cho nông dân còn tránh tư thương ép giá. Chỉ tính riêng ba vụ gần đây, HTX thu mua khoảng 1.500 tấn lúa với mức giá dao động từ 7 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg. Sản phẩm sau khi xay xát, chế biến được đóng bao bì, có nhãn hiệu gạo ngon Thủy Thanh, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Kiểm tra giống lúa chất lượng cao ở Phú Vang 
Trong vụ đông xuân này, HTX Phú Lương 3 (Phú Vang) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương sản xuất thành công cánh đồng mẫu lớn với diện tích 65 ha, quy tụ 70 hộ tham gia mô hình. Giống lúa được đưa vào gieo trồng là Thiên ưu 8, không chỉ đạt năng suất cao, trên 75 tạ/ha, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Ông Phan Chiến, một hộ tham gia mô hình tỏ ra phấn khởi trước vụ mùa bội thu, sản phẩm còn được Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương bao tiêu nên giá cả ổn định. Bình quân mỗi sào lãi cao hơn 600 ngàn đồng so với sản xuất giống lúa thông thường, quy mô nhỏ lẻ. Chủ nhiệm HTX Phú Lương 3-ông Lê Thẻo thông tin, công ty đang tiếp tục kết hợp với nông dân mở rộng quy mô diện tích lúa trong vụ hè thu 2015, đồng thời hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch...
Mấy vụ lúa gần đây, Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi (CPGCTVN) tỉnh, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh, Tập đoàn Quế Lâm tại Huế, Công ty TNHH Liên Việt cũng đã khảo nghiệm thành công nhiều mô hình giống lúa mới chất lượng cao, quy mô từ vài chục ha trở lên/mô hình. Một số giống đã khẳng định hiệu quả phải kể đến là SHPT1, BN26, KH1, RG2, Nam ưu 1236, RG6, RG1... Sản phẩm sau khi thu hoạch đều được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, cao hơn so với các loại lúa thông thường... Tuy nhiên theo ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt-Chăn nuôi thuộc Sở NNPTNT tỉnh, thì những gì mà các công ty làm được cũng mới chỉ là bước khởi đầu. Quy mô diện tích sản xuất và số lượng sản phẩm chất lượng cao được các doanh nghiệp bao tiêu vẫn chưa đáng kể so với hàng chục ngàn ha lúa trên địa bàn tỉnh.
 
Một hộ dân ở Hương Phong (Hương Trà) quyết định trữ lúa chờ giá tăng mới bán
Cần một chính sách thỏa đáng
Tiến sĩ Lê Đình Hường, Trường đại học Nông lâm Huế khẳng định: “Trong sản xuất nông nghiệp, nếu địa phương nào xây dựng được mối liên kết “bốn nhà” sẽ mang lại hiệu quả cao. Lợi ích mang lại không chỉ cho người nông dân mà cả doanh nghiệp khi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Muốn giá lúa ổn định, không bị tư thương ép giá không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có doanh nghiệp đứng ra hợp đồng thu mua sản phẩm tại chỗ”. Thực tế cho thấy, những địa phương có doanh nghiệp - hay HTX làm “bà đỡ” trong khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thì nông dân không lo đầu ra, giá lúa lại ổn định, chắc chắn việc đầu tư tái sản xuất cho vụ sau sẽ được nhiều thuận lợi.
“Để có được nguồn giống lúa chất lượng rất cần sự tâm huyết, tích cực vào cuộc của các nhà khoa học. Ngoài trách nhiệm của giới chuyên môn, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, đầu tư các thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, tuyển chọn và khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao”, Tiến sĩ Lê Đình Hường đề xuất. “Điều quan trọng mà chính quyền địa phương, các ban ngành cần quan tâm làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy thay thế giống lúa cũ hiệu quả thấp; ứng dụng phương thức tổ chức sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm”, ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty CPGCTVN tỉnh nói.
Canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy các giống lúa chất lượng được xác định là phương thức mới, mang lại hiệu quả cao. Đây là phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa lớn nên cần có cơ chế, chính sách tiêu thụ một cách ổn định. Một số chuyên gia cho rằng, trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp lớn nào đứng ra thu mua sản phẩm tại chỗ là điều đáng lo ngại. Sự liên kết “bốn nhà” từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được diễn ra một cách suông sẻ khi vai trò của Nhà nước cần phải thể hiện rõ. Đó là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đầu tư, khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Khi có doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm thu mua tại chỗ, sản phẩm sẽ không qua nhiều khâu trung gian, không bị tư thương ép giá thì chắc chắn giá lúa sẽ ổn định...
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

TIN MỚI

Return to top