ClockThứ Năm, 14/11/2019 16:34

Bảo vệ gia súc mùa mưa rét

TTH - Dự báo mưa rét năm nay khắc nghiệt hơn nhiều năm. Các biện pháp chống rét đang được người dân chủ động triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho đàn gia súc.

Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên có thể đến vào khoảng nửa cuối tháng 12Dự báo thiên tai trong năm 2019Cứu lúa

Người dân Phú Hồ tranh thủ, tận dụng đồng cỏ cho trâu ăn rước khi lùa về chuồng

Nâng cao ý thức của người chăn nuôi

Sau khi kết thúc vụ lúa hè thu, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Phú Hồ (Phú Vang) tất tả thu gom rơm rạ đưa về nhà chất thành “đụn” cao để dự trữ cho đàn trâu trong mùa mưa rét.

“Nuôi trâu không khó. Hằng ngày chăn thả trên các cánh đồng lúa sau thu hoạch, trâu tự tìm kiếm thức ăn. Cứ sắp có mưa lũ là chúng dù ở đâu cũng tự tìm về chuồng nhốt. Khó khăn lớn nhất là nguồn thức ăn phải đầy đủ; nhất là vào mùa mưa rét kéo dài, các cánh đồng đều ngập nên phải dự trữ nguồn thức ăn. Rơm rạ được cho là nguồn thức ăn chính, dễ kiếm phục vụ cho chăn nuôi mùa mưa rét”, ông Thanh cởi mở.

Ngoài nguồn rơm, ông Thanh tranh thủ cắt thêm cỏ tươi dự trữ nhằm tăng thêm dinh dưỡng cho đàn trâu. Sau khi dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn, ông Thanh tiến hành sửa chữa chuồng trại. Tất cả các cánh cửa đều đóng kín, những chỗ thủng xung quanh chuồng được vá đảm bảo tránh gió, rét lùa vào. Nền chuồng được phủ một lớp rơm khô khá dày đủ ấm cho đàn trâu nằm.

Nuôi bò chủ yếu bằng nguồn thức ăn cỏ tươi, vì vậy thường sau vụ lúa hè thu kết thúc, các hộ nuôi thường tranh thủ cắt cỏ tươi về dự trữ. Một số hộ tận dụng diện tích vườn nhà trồng thêm các loại cỏ phục vụ chăn nuôi trong mùa mưa rét. Các hộ còn dự trữ thêm thức ăn tinh như cám, đường mía… để tăng nguồn dinh dưỡng, sức đề kháng cho đàn bò.

Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ thông tin, kết thúc vụ lúa hè thu cũng là lúc mùa mưa rét sắp đến, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của xã để vận động, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc. Các biện pháp đáng chú ý là dự trữ nguồn thức ăn đầy đủ, trong đó có thức ăn tinh để tăng sức đề kháng; sửa chữa chuồng trại, đóng cửa tránh gió lùa, đủ ấm áp trong mùa mưa rét…

Không nên chủ quan

Cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe đàn bò nuôi trong mùa mưa lũ

Thạc sĩ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đánh giá, qua kiểm tra tại các địa phương, phần lớn các hộ chăn nuôi chấp hành khá tốt việc bảo vệ đàn gia súc trước mùa mưa rét. Tuy nhiên yêu cầu bà con không nên chủ quan, tiếp tục triển khai nghiêm chỉnh các biện pháp bảo vệ đàn gia súc theo quy định. Đàn gia súc phải được lùa về chuồng nhốt trước khi mưa rét xảy ra.

Các hộ nuôi nuôi chú ý gia cố, cố định chuồng nuôi chắc chắn để tránh gió, bão làm đổ, gây tốc mái chuồng. Chuồng nuôi được che chắn nhằm tránh mưa tạt, gió lùa, dột ướt. Với những nơi chuồng nuôi có khả năng bị ngập úng kéo dài, người dân chủ động tìm nơi cao ráo để đưa gia súc lên cao. Có thể dùng các vật liệu trong gia đình (gạch, tre, gỗ…) để nâng cao nền chuồng để chủ động nhốt gia súc khi ngập úng. 

Những ngày mưa to, gió lớn cần có hệ thống che chắn tránh gió lùa (nhất là đối với chuồng nuôi gia súc non vì chúng rất mẫn cảm với thời tiết); chú ý hệ thống xử lý chất thải như phân, chất tồn đọng; không được để chất thải lưu cữu lâu ngày khiến chuồng luôn ẩm ướt, mất vệ sinh.

Người dân Quảng Điền chăm sóc đàn lợn 

Với những chuồng nuôi ở các khu vực thường bị ngập úng cần khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh; chủ động vệ sinh chuồng trại bằng cơ giới, khơi thông cống rãnh, hệ thống thoát nước; tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng vôi bột hoặc một số thuốc sát trùng như Vikol, Benkocid, Haniodine … nhằm hạn chế mầm bệnh trong chuồng nuôi.

 Trong những ngày mưa lũ, cần đảm bảo nguồn thức ăn dinh dưỡng, trong chăn nuôi lợn phải dự trữ thức ăn tinh đủ trong thời gian hàng tuần, hàng tháng. Mưa lũ rất dễ xảy ra ngập úng, phương tiện đi lại gặp khó khăn, khó vận chuyển thức ăn đến chuồng nuôi. Vì vậy đối với trâu bò, bò cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn thô, xanh bằng phương pháp ủ chua, ủ rơm với u rê.

Quá trình cho gia súc ăn cần cung cấp đầy đủ nước sạch hàng ngày, không để con vật uống nước bẩn, nước ngập úng tại khu vực chuồng nuôi. Những ngày mưa, gió bão, người dân phải thực hiện tốt việc bảo quản thức ăn tinh do thời tiết ẩm thấp, tránh bị nấm mốc. Khi cho gia súc ăn chú ý kiểm tra kỹ, phát hiện thức ăn nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay.

 Đối với vật nuôi đang trong thời gian mang thai, đang nuôi con, các loại gia súc non cần bổ sung vào thức ăn các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải để nâng cao sức đề kháng cho con vật.

Trong những ngày mưa bão thường gây ngập nước, úng lụt, nhất là ở những khu vực thấp úng ngập lâu ngày, các loại cây non bị chết, thối rữa; bên cạnh đó có thể loại côn trùng chết làm môi trường ô nhiễm nặng nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Vì vậy, cần chủ động quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi. Định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc để diệt mầm bệnh trong môi trường; đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.

Người dân chủ động phòng bệnh bằng vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y; bổ sung các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa cho gia súc khi thời tiết bất lợi…

 Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Thức ăn ướt Pate mèo Whiskas 80g
Return to top