Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả xuất hiện ở trang trại rú cát Quảng Điền
Thu nhập 200 triệu đồng/ trang trại/năm
Ghé thăm trang trại (TT) của gia đình ông Trương Bá Mỹ (thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi), trước mắt chúng tôi là một khu sinh thái được đầu tư bài bản từ khâu quy hoạch đất, ao hồ, kênh thủy lợi, phân vùng trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu và khu chăn nuôi. Từ một vùng rú cát hoang hóa, dưới bàn tay, khối óc, công sức, tiền của được đầu từ vào, chỉ sau hơn 2 năm, vùng cát trắng đã được phủ màu xanh, với bạt ngàn cây ăn trái.
Ông Mỹ chia sẻ, rời quê nhà Quảng An vào Bình Phước lập nghiệp hơn 30 năm, đến năm 2020, khi đã tích lũy số tiền kha khá, ông cùng vợ về quê lập nghiệp. Được chính quyền cấp 5ha đất rú cát để lập TT, ông đầu tư công sức vào cải tạo đất, trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như: mãng cầu, ổi, bưởi, vải, xoài, chà là, cây dược liệu…, đào ao nuôi cá và thả thêm heo, gà.
“Gia đình đã bỏ ra hơn 2,5 tỷ đồng, chưa kể hàng chục ngàn ngày công được huy động mới có được kết quả như ngày hôm nay. Sau khi trồng thử nghiệm, nếu cây trồng nào thích hợp với vùng đất tôi sẽ tiếp tục nhân rộng. Trước mắt tôi vẫn đang lấy ngắn nuôi dài, 4-5 năm nữa TT mới cho thu nhập ổn định. Tôi mong muốn chính quyền có chính sách hỗ trợ các hộ TT có nhu cầu xây dựng các mô hình sản xuất cây, con theo hướng công nghệ cao và được vay nguồn vốn ưu đãi để phát triển bền vững” - ông Mỹ cho biết.
Cách TT ông Mỹ không xa là cơ ngơi rộng 5ha của anh Nguyễn Hữu Thiệu, một thanh niên từ xã Quảng Vinh lên lập nghiệp. Ngoài căn nhà khang trang để ở, sinh hoạt, TT này được anh Thiệu sử dụng 1,5ha trồng cây dược liệu và 3,5ha nuôi gà. Chỉ tính riêng nuôi gà, trung bình mỗi năm gia đình anh xuất chuồng 3 lứa gà thịt, mỗi lứa 20.000 con, trừ chi phí anh lãi ròng 400-500 triệu đồng.
Anh Thiệu cho biết, mô hình KTTT cần phải có nguồn lực và người đầu tư cần có ý chí mới thành công. Tuy nhiên, hầu hết những người làm TT chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp, chưa liên doanh, liên kết trong sản xuất hàng hóa. Năng lực, nguồn vốn của các hộ còn khó nên một số hộ còn sản xuất cầm chừng, không chịu đầu tư vốn để mở rộng sản xuất và kinh doanh. Đó cũng là nguyên nhân vùng rú cát vẫn chưa phát triển như kỳ vọng và chưa được lấp đầy.
Đến với vùng cát, hiện nhiều hộ vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị cao, như: mô hình sản xuất gà giống, ấp trứng gia cầm, trồng rau thủy canh, nuôi gà thảo dược, nuôi lợn hữu cơ, nuôi bò thâm canh; nhiều mô hình mới có triển vọng như: trồng sâm cau, cây dược liệu, trồng cây dong riềng, cây ăn quả, cây chà là, cây an xoa, nuôi chim yến...
Cần thêm nguồn lực
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các TT. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển KTTT. Huyện liên kết tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm tổ chức sản xuất và giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp cho các chủ TT. Đến nay, đã thí điểm gần 100 mô hình trồng trọt, chăn nuôi với kinh phí trên 11 tỷ đồng nhằm xác định phương thức sản xuất phù hợp để chuyển giao cho người dân.
Tuy nhiên, trình độ tổ chức quản lý và điều hành sản xuất của nhiều chủ TT còn hạn chế; các chủ TT chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mạnh ai nấy làm nên giá thành sản xuất còn cao, bị thương nhân ép giá; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ TT không kiên trì, chịu khó, sản xuất chưa đúng hướng, còn tư tưởng giành đất. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm, tranh giành đất đai vẫn còn xảy ra; việc thu hồi đất đã giao lập TT đối với các hộ sản xuất không đúng hướng, không hiệu quả chưa được triệt để, gây lãng phí đất đai.
Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng khẳng định, 5 năm qua, kinh tế TT tiếp tục phát triển, góp phần tích cực vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Những kết quả đạt được khẳng định các nhiệm vụ và giải pháp mà Huyện ủy đề ra trong Nghị quyết 04 là đúng đắn. Vùng cát nội đồng nếu được đầu tư khai thác hợp lý sẽ tạo ra được khối lượng hàng hóa có giá trị kinh tế và hiệu quả cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.
Hiện vùng cát nội đồng còn gần 300ha chưa được Nhà nước cho thuê. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng cho biết, huyện tiếp tục ưu tiên phát triển TT nhằm khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn là ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra hàng hóa với giá trị lớn, sạch, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gắn phát triển KTTT với phát triển du lịch sinh thái, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và bảo vệ môi trường.
Đến nay, huyện Quảng Điền có 113 tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất làm trang trại với 382ha (1-5ha/trang trại); trong đó, Quảng Lợi 58, Quảng Vinh 32, Quảng Thái 23; có 24 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 100 tỷ đồng, thu nhập trung bình 200 triệu đồng/trang trại/năm.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH