Dệt Zèng A Lưới được hỗ trợ vốn xây dựng OCOP
Khởi đầu
Có truyền thống hình thành và phát triển trên 600 năm, làng nghề mây tre đan Bao La (Quảng Điền) đã và đang phát triển mạnh mẽ, thương hiệu và sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước công nhận.
Hiện, HTX Mây tre đan Bao La đã thiết kế và sản xuất gần 500 mẫu mới, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các địa phương trong cả nước và xuất khẩu. Các mặt hàng của HTX cũng đa dạng, phong phú, bên cạnh các đồ vật trang trí nội thất, ý tưởng sản xuất những sản phẩm quà tặng cũng manh nha xuất hiện nhằm phục vụ cho hoạt động du lịch.
Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh đã ký quyết định về phân khai vốn hạng mục triển khai chương trình OCOP thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Trong đó, HTX mây tre đan Bao La sẽ được hỗ trợ 255 triệu đồng phục vụ xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm, mẫu mã…
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La chia sẻ, mặc dù đã và đang có những bước phát triển nhất định nhưng các sản phẩm HTX vẫn chủ yếu nhận gia công theo những đơn đặt hàng và mẫu có sẵn của các doanh nghiệp. Các sản phẩm và mặt hàng làm quà tặng vẫn thiếu. Tham gia vào chương trình OCOP, chúng tôi mong muốn nhận được những hỗ trợ tư vấn nâng cấp kiểu dáng, đa dạng thêm các mẫu mã sản phẩm quà tặng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất với những mẫu hàng tinh sảo hơn. Cùng với đó, thương hiệu và xúc tiến thị trường cho sản phẩm cũng sẽ có những bước chuyển biến nhằm đưa sản phẩm mây tre đan vươn xa hơn.
Hiện đơn vị tư vấn đang làm việc với HTX về kế hoạch nâng cấp hoàn thiện sản phẩm tiến tới cụ thể hóa đề án xây dựng mây tre đan Bao La thành sản phẩm OCOP.
Không riêng gì HTX mây tre đan Bao La, 18 chủ thể khác cũng đang thực hiện các công đoạn trong chu trình OCOP có thể kể tên như: rượu Ô Lâu, rau má Quảng Thọ, bưởi cốm Hương Thọ… Các sản phẩm chưa được chứng nhận hữu cơ, công bố chất lượng, truy suất nguồn gốc, hay mẫu mã, thương hiệu chưa hoàn thiện sẽ được hỗ trợ đầu tư trong thời gian này.
Cùng với những hỗ trợ về chuẩn hóa sản phẩm, thời gian qua, công tác tuyên truyền tập huấn cho các cán bộ, chủ thể kinh tế cũng được triển khai. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được tổ chức với việc triển khai hội chợ sản phẩm nông nghiệp năm 2019 với sự tham gia của hơn 64 gian hàng; tham gia các hội chợ nông nghiệp và các sản phẩm OCOP tại Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh…
Phát huy vai trò chủ thể
Theo ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, điều kiện tự nhiên và xã hội địa phương khá thuận lợi khi thực hiện đề án OCOP vì có nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường.
Để khuyến khích phát triển sản phẩm, chương trình đề ra một “sân chơi” và chủ thể sẽ thực hiện sáu bước, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… không áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Cán bộ phụ trách và tổ giúp việc chương trình OCOP đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể về khâu nâng cao, hoàn thiện sản phẩm như: thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Điền chia sẻ, Quảng Điền có khá nhiều thế mạnh trong xây dựng OCOP với nhiều sản phẩm đặc trưng và đã định hình được thương hiệu. Song khi triển khai thực hiện chương trình, các chủ thể này vẫn chưa chủ động đăng ký tham gia. Một số chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia nhưng lại chưa tích cực phát triển hoàn thiện sản phẩm nên việc không lập hồ sơ, đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện triển khai khá chậm. Nhiều vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện, chưa có nhãn mác, chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn thiếu gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, thiếu vùng nguyên liệu. Nhiều cơ sở sản xuất chưa nắm được các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và về nhãn mác, bao bì… cũng gây không ít khó khăn trong thực hiện.
Để thực hiện đúng theo kế hoạch, ông Tần cho rằng, quan trọng nhất trong xây dựng OCOP là chủ thể phải nhận thức được những lợi ích khi tham gia OCOP như: chất lượng sản phẩm sẽ được khẳng định, thương hiệu, mẫu mã sẽ được chuẩn hóa, công tác xúc tiến thị trường cũng thuận lợi hơn.
Chủ thể sẽ phải chủ động trong việc thực hiện các công việc liên quan từ đăng ký tham gia đến hoàn thiện các chu trình OCOP, chủ động tiếp cận với cơ quan chuyên môn thay vì chỉ ngồi một chỗ chờ cơ hội đến như trước đây. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng chủ thể của sản phẩm chủ lực địa phương mình nhằm nâng cao nhận thức trong quá trình triển khai.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN