ClockThứ Bảy, 12/02/2022 10:50

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện

TTH.VN - Sáng 12/2, Đoàn công tác của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) do ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển nông nghiệp và công tác phòng, chống thiên tai của địa phương.

Gia tăng giá trị cây trồng cho nông nghiệpĐộng lực phát triển nông nghiệp sạchTái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trịTái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nhanh, bền vữngTái cơ cấu ngành công nghiệp: ưu tiên phát triển làng nghề & năng lượng sạchLàm nông nghiệp có trách nhiệm

Làm việc với đoàn về phía lãnh đạo tỉnh có UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Phát triển nông nghiệp bền vững

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua, sản xuất nông lâm ngư nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có những bước phát triển khá toàn diện. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm là chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh và OCOP. Trên từng lĩnh vực của ngành bước đầu đạt được kết quả nhất định. An ninh lương thực luôn được đảm bảo, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đời sống dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành nông nghiệp đạt 3,62%, chiếm khoảng 11,7% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 7.627 tỷ đồng, tăng 4,4%, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 366 nghìn tấn, tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 150 triệu USD, tăng 25% so với 2020, trong đó, thủy sản đạt 70 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 80 triệu USD.

Tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; tham mưu và giám sát chặt chẽ hoạt động điều tiết lũ liên hồ chứa, hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt vùng hạ du và thực hiện tốt điều tiết nước phục vụ sản xuất các mùa vụ.

Hoạt động tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được chú trọng thực hiện, đã duy trì 83 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; từng bước ổn định đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm tham gia chuổi liên kết; một số sản phẩm của các dự án liên kết đã được công nhận là sản phẩm OCOP.

Toàn tỉnh có 63 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 67%; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,37 tiêu chí/xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Mong muốn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sớm có chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh và người nông dân nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp hậu COVID-19.

Tỉnh đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long. Quan tâm hỗ trợ tỉnh xây dựng thí điểm mô hình xã kiểu mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025 tại xã Quảng Thọ và hỗ trợ kinh phí để triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030...

Phát huy "vốn dồi dào"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp của tỉnh đạt được thời gian qua, đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp, các ngành, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, nông nghiệp là một ngành kinh tế, và các thành tố để quyết định tăng trưởng kinh tế gồm có thể chế, văn hóa, lịch sử, địa lý, con người và xã hội; đối với Thừa Thiên Huế thì các thành tố trên là một nguồn "vốn dồi dào" bởi Huế là là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hoá Huế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm cơ sở chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm

Bộ trưởng lưu ý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ hiểu đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành mà đó phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức. Vấn đề mà ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế cần quan tâm trong sản xuất nông nghiệp đó là năng suất, sản lượng; quy hoạch sản xuất; phòng chống dịch bệnh; khuyến nông; hỗ trợ kỹ thuật và bảo vệ thực vật. Về kinh tế nông nghiệp, cần quan tâm đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, giá trị tăng thêm, xây dựng chuỗi ngân hàng và kết nối được cung cầu.

Thời gian tới, bộ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp của tỉnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuổi giá trị, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác xã để làm hạt nhân trong các khâu liên kết. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP.

Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của mỗi địa phương thành các sản phẩm OCOP; gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch. Triển khai thực hiện các chính sách, định hướng phát triển nông nghiệp của Trung ương phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân.

Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá, hệ thống đê sông, đê biển, kè chống sạt lở để nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT làm tốt công tác quản lý xây dựng công trình, chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các dự án do sở làm chủ đầu tư. Chuẩn bị hồ sơ một số dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn ADB và vốn do Bộ NN&PTNT) với 3 dự án, tổng mức đầu tư 1.466 tỷ đồng. Triển khai thực hiện các dự án sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa và chỉ đạo thi công các công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng.

Bài, ảnh: Nguyên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top