ClockThứ Ba, 21/07/2020 06:30

Đầu tư vào nông nghiệp: Cần những doanh nghiệp đầu tàu

TTH - Đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp đang khiến ngành nông nghiệp chịu tác động nhiều mặt từ thị trường, dịch bệnh...

Ưu tiên dự án ứng dụng công nghệ caoPhát triển nông nghiệp bền vững, an toàn và công nghệ caoGỡ nút thắt về vốn

Sản phẩm nông nghiệp Huế muốn vươn ra thị trường cần nâng cao chất lượng, mẫu mã đa dạng. Ảnh: TUẤT KIỆT

Những bước đi ban đầu

Tháng 10/2018, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 đưa trang trại (TT) tổng hợp Hoàng Bằng (xã Phong An, huyện Phong Điền) vào hoạt động. Với quy mô 61ha, TT này được phân thành 5 khu chức năng với tổng mức đầu tư 199,5 tỷ đồng. Ngoài mục tiêu nhân giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào với khoảng 3,5 triệu cây keo lai giống/năm, TT này còn hướng đến xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, chăn nuôi sản xuất lợn thịt siêu nạc khép kín hiện đại... Hiện khu nuôi cấy mô tế bào của TT này đã đi vào hoạt động, cung cấp nguồn giống sạch bệnh, chất lượng cao cho các hộ nông dân và DN tham gia trồng rừng kinh tế.

Ông Đỗ Đức Mẫn, Thư ký Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 chia sẻ, nuôi cấy mô tế bào là phương pháp mới, ứng dụng công nghệ cao. Cây được ươm trồng là nguồn đầu dòng, có rễ cọc dài, thân tròn, khó gãy, sạch bệnh nên khi trồng chống chịu được các bệnh hại cây, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và xu hướng trồng cây gỗ lớn. Áp dụng kỹ thuật này làm tăng hiệu quả kinh tế lên gấp đôi so với trồng rừng theo phương pháp giăm hom làm nguyên liệu giấy cùng chu kỳ. Theo tính toán, sau 10-12 năm, doanh thu 1 ha đạt khoảng 350 triệu đồng. Đơn vị cũng đang xúc tiến đầu tư khu chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín với quy mô đầu tư 147 tỷ đồng.

Khu nuôi cấy mô của Công ty CP Lâm nghiệp 1-5

Ngoài dự án (DA) trên, trên địa bàn có thêm DA tổ hợp nuôi và chế biến tôm thẻ chân trắng trên cát tại huyện Phong Điền của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam có diện tích khoảng 300 ha với tổng mức đầu tư 89,59 triệu USD, nhà máy chế biến công suất 10 nghìn tấn/năm với tổng mức đầu tư 22,59 triệu USD cũng đã đưa vào hoạt động. Cùng với đó, 3 DA lớn khác cũng đang trong quá trình triển khai và 2 DA đang rà soát thu hồi.

Sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 DA nông nghiệp lớn và ký biên bản hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Đây được xem là dấu mốc quan trọng tạo lực đẩy trong đầu tư nông nghiệp.

Đến nay, DA trang trại 4F của Tập đoàn Quế Lâm chính thức đưa vào hoạt động. Công ty TNHH xây dựng Thành Phát cũng đang đề xuất nghiên cứu DA ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành và phát triển vùng trồng cam đặc sản tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền với quy mô khoảng 20ha với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Doanh nghiệp là “đầu tàu”

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho biết, trại chăn nuôi heo theo công nghệ 4F có công suất thiết kế 50 con heo nái/năm và 10 con heo đực giống/năm, cung cấp mỗi năm khoảng 1.000 con heo thịt. Công ty cũng đầu tư nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo hữu cơ, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi để hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín. Cùng với đó, nhiều hoạt động liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai hướng đến xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi từ sản xuất, tiêu thụ đối với một số cây trồng, vật nuôi như cây ăn quả, chăn nuôi hữu cơ lợn, gà… Mới đây là việc ký kết hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX thanh trà Phong Thu.

Những mô hình tập đoàn Quế Lâm đã và đang triển khai thành công cho thấy, để tạo dấu ấn chuyển dịch trong nông nghiệp cần một DN đứng ra làm đầu tàu dẫn dắt nông dân định hình sản phẩm. Khi DN đứng ra định hướng, chuyển giao mô hình, bao tiêu sản phẩm sẽ nâng cao được giá trị thương hiệu của sản phẩm.

Nói như bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ DN Hữu cơ Huế Việt, cùng một loại sản phẩm nhưng nếu làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa kỹ thuật theo hướng VietGAP, hữu cơ có sự tham gia của DN bao tiêu sản phẩm có thể nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần giá trị thông thường.

Dẫn chứng được bà Huệ đưa ra chính là sản phẩm thanh trà Phong Thu. Nếu như trước đó, người dân đầu tư dàn trải, không chú trọng nhiều đến mẫu mã, giá trị thương hiệu thì trung bình mỗi quả chỉ có giá thành 15- 20 ngàn đồng. Nhưng khi bắt đầu chuẩn hóa quy trình, lựa chọn từng quả để chăm sóc, giá trị mỗi quả đã tăng lên từ 45-60 ngàn đồng, thậm chí cao hơn.

Điều này khẳng định vai trò của DN trong thực hiện bài toán liên kết và nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; phù hợp với định hướng của tỉnh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, DN đẩy mạnh xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các khu sản xuất nông nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng vùng, khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân dồn điền đổi thửa, cho thuê đất và tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa. Tạo điều kiện thuận lợi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các tổ chức, DN và cá nhân yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp.

Ông Vui khẳng định, sẽ hỗ trợ DN xây dựng chiến lược đầu tư phát triển nông nghiệp, phù hợp với xu hướng vận động của thị trường sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có sức cạnh tranh cao, tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung các chính sách đặc thù để thu hút các DN có điều kiện về vốn, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, cản trở, khắc phục hạn chế về thị trường, về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top