ClockThứ Bảy, 09/05/2020 09:28

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó với quy định sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài

Quy định về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên hàng hóa xuất khẩu phải có ủy quyền của chủ sở hữu mã số, mã vạch hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đang là vướng mắc lớn đối với các ngành hàng xuất khẩu; trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tấm lòng của những người Huế xa quê“Ăn, ngủ” cùng đấtNgành thủy sản hậu COVID-19: Cần đại tu để tăng trưởngDịch bệnh tôm gây thiệt hại lớnKý ức không phaiBảo vệ cá nuôi lồng

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó với quy định sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm tới nay Hiệp hội đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu, lại đúng vào dịp doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xuất phát từ một nội dung trong Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như không có quy định tương tự tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam. Bên cạnh đó, thủ tục này hiện làm bằng hồ sơ giấy, chưa triển khai đăng ký qua mạng gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp. Để có được giấy xác nhận này, nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá.”, ông Nam thông tin

Trong thời gian đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho khoản vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Trong khi có rất nhiều đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần. Đặc biệt, do nhiều nước không kiểm soát vấn đề mã số mã vạch trên bao bì hàng nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, mã số mã vạch nước ngoài mà doanh nghiệp in trên bao bì sản phẩm theo đơn đặt hàng của chủ hàng, hoàn toàn không liên quan gì đến chất lượng sản phẩm, không chứa đựng thông tin về chất lượng sản phẩm. Toàn bộ dãy 13 số trên mã vạch chỉ bao gồm mã số quốc gia của doah nghiệp chủ hàng (3 số đầu), mã định danh doanh nghiệp chủ hàng (5 số kế tiếp), mã định danh sản phẩm do chủ hàng áp (4 số tiếp theo) và 1 số cuối là số ngẫu nhiên gọi là số kiểm tra.

Toàn bộ thông tin truy xuất nguồn gốc đều ghi trên bao bì, theo Luật ghi nhãn, đó là bắt buộc, chứ không có thông tin truy xuất nguồn gốc với chống hàng giả nào thể hiện thông qua mã số mã vạch.

Lấy ví dụ cụ thể, nếu Công ty Costco tại Anh đặt mua cá tra Việt Nam. Ngoài việc dùng quy cách, logo và ghi nhãn trên bao bì theo quy định của Costco thì nếu hàng này được xếp trên siêu thị của Anh, Costco sẽ đề nghị in thêm mã số mã vạch của Costco (chủ hàng) trên bao bì nữa. Hiển nhiên, Costco là chủ hàng, địa chỉ công ty ở Anh thì mã số mã hàng là của chủ hàng dùng để quản lý trong chuỗi phân phối của họ trên toàn lãnh thổ Anh hoặc sang cả EU. Trên thực tế, Costco không chỉ đặt hàng của Việt Nam mà họ thường mua cá tra từ Việt Nam, cá rô phi từ Trung Quốc, cá ngừ từ Việt Nam và Philippines. Nên phía Costco rất ngạc nhiên khi doanh nghiệp Việt Nam lại đòi giấy ủy quyền để rồi từ đó cơ quan thẩm quyền Việt Nam xác nhận mã số mã vạch của họ.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu 100% đi Nhật Bản cho biết, trên sản phẩm túi và bìa carton của họ cũng đã in mã vạch của khách hàng nhưng vẫn bị cơ quan hải quan kiểm hóa và yêu cầu xuất trình Giấy ủy quyền của khách hàng được phép sử dụng mã vạch trên sản phẩm. Vấn đề là khách hàng phía Nhật Bản không thể cung cấp được Giấy ủy quyền vì nước này không yêu cầu và cũng không cấp giấy này. Với hàng trăm mã túi khác nhau và nếu túi nào cũng phải xuất trình giấy ủy quyền của khách, doanh nghiệp đang lo lắng không biết phải giải quyết thế nào vì quy định đã ban hành kèm theo chế tài phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu doanh nghiệp không xuất trình được xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Một doanh nghiệp khác nêu ý kiến, muốn tra cứu mã vạch quốc tế chỉ cần một số thao tác dễ dàng là gõ 13 số của mã vạch tại website GS1 là có thể biết mã đó có chủ sở hữu là ai, địa chỉ ở đâu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng sản xuất hàng cho đơn vị đó là đủ thông tin để chứng minh, không cần phải đi xin đủ loại giấy tờ để đăng ký tại Việt Nam nữa. Nhiều doanh nghiệp cũng không đồng tình với việc cơ quan quản lý cho rằng, việc quản lý mã số mã vạch trên sản phẩm là để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vì trên mã số mã vạch không thể hiện được thông số về chất lượng.

Các doanh nghiệp cho biết, quy định này đã làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Với mỗi lần đăng ký hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm, doanh nghiệp phải đóng phí là 500.000 đồng, còn nếu hồ sơ có trên 50 mã sản phẩm thì phí là 10.000 đồng/sản phẩm. Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.

Chưa kể, khi doanh nghiệp liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh để xin cấp Giấy xác nhận thì được thông báo là doanh nghiệp phải liên hệ với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1) tại Hà Nội do địa phương không có thẩm quyền. Mà khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo hướng dẫn của GS1, thủ tục xin cấp Giấy xác nhận với GS1 còn yêu cầu phải có Thư ủy quyền có thời hạn ủy quyền và Hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận (kèm bảng dịch thuật tiếng Việt).

Các giấy tờ trên đều thường khó xin, tốn nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy, chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 6 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp thường xuyên có thêm khách hàng mới nên mã số, mã vạch các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp.

Nhưng điều quan trọng và khó khăn nhất ở đây là doanh nghiệp không thể có được Giấy ủy quyền này từ khách hàng nếu họ không có hoặc không thể cung cấp. Trong bối cảnh kinh doanh, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, chật vật tìm kiếm khách hàng đã khó khăn, các yêu cầu và thủ tục không cần thiết, vô lý lại càng làm khó doanh nghiệp hơn.

Trước những bất cập trên, ngày 22/4/2020, VASEP đã gửi Công văn số 46/2020/CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tại công văn này, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch” của Chương II “Quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và bổ sung Điều 19a, 19b, 19c, 19d trong Mục 7”.

Trong khi chờ Chính phủ xem xét, bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP, VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thực hiện quy định về “sử dụng mã nước ngoài” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do dịch bệnh COVID-19 để không tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính hay tạo ra các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

TIN MỚI

Return to top