Nông nghiệp - ngành kinh tế mũi nhọn
Báo cáo KT-XH của huyện A Lưới trong 6 tháng đầu năm cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 274 tỷ đồng. Trong đó, lâm nghiệp đạt 51,22 tỷ đồng, chiếm 18,7%; chăn nuôi đạt 121,73 tỷ đồng, chiếm 44,4%; thủy sản đạt 15,36 tỷ đồng, chiếm 5,6%... Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng giá trị ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 là 158 tỷ đồng, trong đó, hoạt động sản xuất điện, cấp nước chiếm 141 tỷ đồng.
Các loại hình du lịch ở A Lưới đang từng bước phát triển
Trong chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, huyện đã hỗ trợ 271 hộ nghèo vay với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng; 66 hộ cận nghèo vay với số tiền hơn 3 tỷ đồng... Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,99%.
Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, với hơn 90% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trong thời gian đến, A Lưới xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tận dụng, lồng ghép và sử dụng tối đa hiệu quả từ các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, triển khai một số mô hình giống mới và nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp lợi thế gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể như gạo Ra dư, thịt bò. Tiếp tục thực hiện tốt “Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 - 2025”; hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với gia trại, trang trại. Khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và triển khai Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2018-2025.
Cấp đất sản xuất để người dân thoát nghèo bền vững
Trong từng nhiệm vụ cụ thể, đại biểu các sở, ngành đánh giá cao A Lưới ở rất nhiều lĩnh vực; đồng thời góp ý cho huyện cần chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ để phát triển bền vững. Kết hợp giữa các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với dịch vụ để nâng cao giá trị hàng hóa các sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số như dệt Zèng, thịt bò và các món ăn, ẩm thực truyền thống…
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý huyện A Lưới gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao sự nỗ lực của huyện A Lưới, nhất là một số tiềm năng, lợi thế của huyện đã được khai thác và bước đầu đem lại tín hiệu tích cực. Song nhìn tổng thể, A Lưới vẫn chưa có sức bật trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong phát triển KT-XH, A Lưới cần tập trung phát triển nông nghiệp là chủ yếu. Tuy nhiên phải đầu tư nguồn lực, đặc biệt là huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp để xây dựng nền nông nghiệp quy mô, ứng dụng công nghệ cao; khai thác hiệu quả và đồng bộ du lịch sinh thái, văn hóa…; có định hướng đầu tư phù hợp theo hướng công nghệ sạch trong các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Những tháng cuối năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, A Lưới cần có các giải pháp đồng bộ trong phát triển KT-XH, ưu tiên hàng đầu vẫn là chương trình giảm nghèo và xây dựng NTM. Tập trung phát huy tối đa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động sự đóng góp từ Nhân dân; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về sản xuất; ưu tiên đầu tư cho các xã điểm, các xã gần về đích NTM và tiêu chí thu nhập, hộ nghèo. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trước mắt ưu tiên thực hiện các sản phẩm lợi thế của địa phương như: Zèng, gạo Ra dư, chổi đót, sản phẩm du lịch...
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu các sở, ngành hữu quan của tỉnh quan tâm hỗ trợ huyện A Lưới phát huy tiềm năng kinh tế từ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng kinh tế để tăng giá trị sản phẩm; quản lý, bảo vệ tốt các loại rừng, nhất là diện tích rừng, đất lâm nghiệp cấp cho các đơn vị nhưng sử dụng sai mục đích; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật và khai thác khoáng sản trái phép. Sở NN&PTNT cần quan tâm giúp huyện trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tái sản xuất ngành lâm nghiệp, xem xét các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn.
Trước mắt, Sở NN & PTNT phải rà soát, phối hợp với huyện lập phương án phân chia đất lâm nghiệp cho các hộ dân đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, tránh tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép; thu hồi đất đối với các tổ chức sử dụng không hiệu quả, sai mục đích để cấp lại cho người dân sản xuất. Cấp đất sản xuất là phương án tốt nhất để người dân thoát nghèo bền vững…
Bài, ảnh: Bá Trí