ClockThứ Ba, 10/07/2018 15:43

Giải cứu cá lồng trên sông Bồ

TTH.VN - Cá lồng nuôi trên sông Bồ đoạn qua xã Quảng Thọ (Quảng Điền), Hương Toàn (TX Hương Trà) bị chết trong những ngày qua được xác định do nắng nóng gay gắt, bị sốc nhiệt.

Đưa cá lồng vào quy hoạchCá lồng nuôi trên đầm Lăng Cô tiếp tục chết

Người nuôi lo âu

Ông Nguyễn Quân ở xã Quảng Thọ than thở: “Đợt lũ cuối năm vừa qua khiến nhiều lồng cá nuôi trên sông Bồ bị chết, cuốn trôi, nay lại tiếp tục thiệt hại do nắng nóng kéo dài. Hai lồng cá trắm cỏ nuôi đến nay hơn 5 tháng, bình quân mỗi con từ 3-5kg sắp cho thu hoạch, song mấy ngày nay chết lai rai ước tính hơn 100 con. Số còn lại lờ đờ, có nguy cơ chết nên buộc phải thu hoạch bán với giá rẻ, chỉ 50-60 ngàn đồng/kg vì chưa đạt đến kích cỡ”.

Cảnh ngư dân vớt cá sau hai năm chăm sóc. Ảnh: Trung Phan

Cạnh các lồng cá của ông Quân là ba lồng cá trắm cỏ của ông Nguyễn Huy ở thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ cũng lâm vào cảnh tương tự. Số cá nuôi hơn 5 tháng nay, gia đình ông Huy tiêu tốn hơn 50 triệu đồng. Nếu không xảy ra sự cố, chỉ chừng một tháng nữa cho thu hoạch ước trên 100 triệu đồng. “Mấy ngày nay có hơn 200 con cá trắm cỡ 3-6kg bị chết, số còn lại phải thu hoạch bán tháo bán để, vớt vát được phần nào. Cá đến kỳ thu hoạch thường bán với giá 100-120 ngàn đồng/kg, có khi cao hơn, giờ bán chỉ 60 ngàn đồng/kg”, ông Huy than.

Cá chết trong lồng được vớt lên còn tươi. Ảnh: Trung Phan

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin, tình trạng cá chết lai rai diễn ra từ 2-3 ngày nay, nhiều nhất là ngày 10/7 với khoảng 4 tấn/20 lồng. Nhiều lồng chết 50-100 con, số còn lại sức khỏe rất yếu, lờ đờ. Trước nguy cơ cá chết hàng loạt, chính quyền địa phương đã vận động người dân thu hoạch để bán. Tuy nhiên do cá chưa đảm bảo kích cỡ theo nhu cầu của lái buôn, thị trường nên giá rất thấp, bình quân mỗi kg chỉ 50-60 ngàn đồng. Một số cá còn quá nhỏ, không thể thu hoạch buộc người dân phải giữ lại nuôi. Trong quá trình nuôi, theo dõi, chăm sóc, người dân phải sử dụng máy sục khí, tạo ô xi cho cá nuôi, hạn chế nguy cơ chết đại trà.

Đau lòng vứt đi cá gần trong thời điểm gần tới ngày thu hoạch. Ảnh: Trung Phan

Cá lồng nuôi trên sông Bồ tại địa bàn xã Hương Toàn cũng xảy ra tình trạng chết, nhiều con lờ đờ khiến người dân lo lắng. Toàn xã ước tính khoảng 15 lồng với 5 tấn cá bị ảnh hưởng, một số bị chết. “Ba lồng cá trắm cỏ bình quân mỗi con 2-5 kg buộc phải thu hoạch “non”. Số cá loại 5kg bán với giá 60 ngàn đồng/kg, còn cỡ 2-3 kg chỉ 30-40 ngàn đồng/kg. Một số nhỏ hơn không bán được phải giữ lại nuôi, song nguy cơ chết rất cao nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhiệt độ cao, sốc nhiệt”, ông Trần Xuân ở xã Hương Toàn lo lắng.

Người dân vớt cá lên cầm cự để bán. Ảnh: Đắc Đức

Giải cứu

Chiều 10/7, phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, đang cùng với các địa phương tiếp tục kiểm kê số cá trắm nuôi lồng bị chết trong 2 ngày qua (9 và 10/7) và có hướng dẫn kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại cho người dân.

Tính đến chiều 10/7, khoảng 40 tấn cá lồng nuôi bị chết, thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng. Ảnh: Hà Nguyên

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 350 lồng nuôi cá trắm trên tổng số 850 lồng trên địa bàn 2 xã Quảng Thọ, Quảng Thành bị chết hàng loạt, với sản lượng gần 40 tấn, gây thiệt hại khoảng 2,4 tỷ đồng. Đây là vụ cá lồng được người dân nuôi khoảng 6 tháng nay, đạt trọng lượng từ 3-5kg/con. Hiện tại, trước tình trạng cá bị chết hàng loạt, người dân đang tiến hành thu cá “bán tháo” mong vớt vát lại vốn.

Bơm nước tạo ôxy, thông thoáng lồng nuôi được xem là giải pháp trước mắt để "cứu cá" hiện nay.  Ảnh: Hà Nguyên

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Quảng Điền thông tin, nguyên nhân được xác định bước đầu do môi trường nước thay đổi dẫn đến cá bị thiếu ôxy. Kết quả do nồng độ ôxy mặt nước đoạn sông Bồ- nơi khu vực nuôi cá lồng tập trung rất thấp. Trước mắt, phòng nông nghiệp đã cử cán bộ có hướng dẫn kỹ thuật bước đầu nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Các lồng nuôi cần tăng cường ôxy bằng cách bố trí thêm máy sục khí, kéo lồng ra xa nhằm tạo sự thông thoáng nguồn nước.

“UBND huyện cũng đã có kiến nghị phía nhà máy thủy điện Hương Điền tăng cường lưu lượng xả, nhằm đẩy nguồn nước về, tạo sự lưu thông nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi cá lồng”, bà Nhã cho biết thêm.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh lý giải, thời gian qua do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng nước gia tăng nên trên sông Bồ có hiện tượng cá nuôi lồng bị sốc nhiệt, nhiều lồng xảy ra tình trạng cá chết. Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên sông Bồ, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Hương Điền tăng lưu lượng phát qua máy với lưu lượng nhỏ hơn 40m3/s kể từ ngày 10-17/7/2018; đồng thời yêu cầu Công ty TNHH NN 1 TV Quản lý – Khai thác công trình thủy lợi tỉnh mở tất cả các cửa cống đập Thảo Long để tăng cường trao đổi nước trên sông, đầm phá, cải thiện môi trường nước và duy trì mực nước tại Thảo Long +0,4m đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh.

Cá chết lâu được đưa lên bãi cỏ chờ chôn. Ảnh: Trung Phan

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy thủy điện Hương Điền thông tin, tính đến ngày 10/7, mực nước tại hồ thủy điện là 48,52m, lưu lượng đến 14m3/s, lưu lượng bình quân về hạ du là 28,2m3/s; mực nước trên sông Bồ tại Trạm Phú Ốc +0,35m và tại Thảo Long +0,45m. Thời gian qua, nhà máy thực hiện nghiêm túc theo quy trình vận hành liên hồ chứa, điều tiết, cấp nước về hạ du trong mùa khô đảm bảo phục vụ sản xuất với lưu lượng nhỏ hơn 15m3/s. Tuy nhiên do năng nóng kéo dài, mực nước trên sông Bồ xuống thấp, theo chỉ đạo của tỉnh, nhà máy bắt đầu tăng lưu lượng xả về hạ du nhỏ hơn 40m3/s bắt đầu từ sáng 10/7 và kết thúc vào ngày 17/7/2018. Nhà máy tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất và tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, ban ngành sẽ có sự điều chỉnh lưu lượng điều tiết về hạ du một cách hợp lý.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi tỉnh) cho biết, ngay sau khi có sự chỉ đạo của tỉnh, công ty tổ chức vận hành thiết bị máy móc, mở tất cả các cửa cống tại đập Thảo Long nhằm điều tiết nguồn nước hợp lý, tránh ô nhiễm môi trường trên các sông, đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa nắng nóng. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, diễn biến của thời tiết để đóng, mở số cửa cống hợp lý, tránh tình trạng nhiễm mặn trên các sông.

Hoàng Triều - Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải cứu thành công 3 nữ sinh viên bị kẹt trong núi Hòn Vượn

3 nạn nhân là sinh viên nữ bị kẹt trong núi Hòn Vượn, phường Hương Hồ (TP. Huế) đã được lực lượng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh giải cứu an toàn. Đó là thông tin do Công an tỉnh cung cấp với báo chí chiều 14/6.

Giải cứu thành công 3 nữ sinh viên bị kẹt trong núi Hòn Vượn
Thơm trong một gói xôi đường

Cụ Hồ Văn Tá, Đội trưởng Đội Thượng thiện năm xưa có cháu nội là bà Hồ Thị Hoàng Anh nay là một nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng. Bà từng giới thiệu nhiều món ngon trên các trang sách ẩm thực, trong đó có món xôi đường.

Thơm trong một gói xôi đường
Return to top